Chi phí logistics bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới
Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, quy hoạch còn bất cập, sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp… Chi phí logistics bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của thế giới.
Đó là những “điểm nghẽn” của ngành logistics Việt Nam được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số vùng ĐBSCL” diễn ra sáng 2/12, tại Cần Thơ.
Theo ông Trần Tuấn Anh, logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành logistics của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Doanh nghiệp (DN) trong ngành logistic ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô. Đến cuối năm 2021 có gần 35.000 DN với tổng số hơn 563.300 lao động đang làm việc. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực logistics tăng mạnh, giai đoạn 2015-2019 có 365 dự án, giai đoạn 2020-2022 có 203 dự án.
Năm nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc top 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Hiện nay Việt Nam thuộc top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển. Hiện nay, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8%-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết, quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...
Sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất (chiếm đến 73% sản lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng đầu năm 2023), tiếp đó là vận tải đường thủy nội địa với 21,6% tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong khi vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2% tổng sản lượng, vận tải đường sắt và đường hàng không vẫn ở mức rất thấp lần lượt là 0,2% và 0,01%; điều này làm cho chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Năm nay, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do WB công bố, đà tăng của Việt Nam đã chậm lại và Việt Nam bị tụt 4 bậc trên bảng xếp hạng, rơi xuống vị trí thứ 43 so với vị trí 39 đã đạt được vào năm 2018. Báo cáo đánh giá của WB cũng cho thấy, bên cạnh sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở các yếu tố về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ thể hiện ở các chỉ số chất lượng dịch vụ logistics, tính đúng giờ và năng lực theo dõi hàng hóa. Chuyển đổi số của hầu hết các doanh nghiệp logistic vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Ký kết hợp tác phát triển logistics giữa các đơn vị. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, các điều kiện và định hướng phát triển các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững trong bối cảnh tình hình mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực logistics nói chung và logistics đối với vùng ĐBSCL nói riêng gắn với nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của chuỗi giá trị nông sản của vùng.
Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, căn cứ các trương Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ được giao để phát triển hệ thống logistics tại địa phương đồng bộ, đồng thời với rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu kinh tế tại địa phương; triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cả xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Cảnh Kỳ
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận