Chỉ định thầu đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô lo ngại tình trạng "xôi đỗ"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Lo ngại tình trạng "xôi đỗ" không đồng nhất
Sáng nay (10/6), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh) khẳng định: "Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ. trong đó, có TP.Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, để triển khai đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điều cần phải làm rõ tại Điều 3, khoảng 2 c của dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu. Nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Với nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng.
"Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng: "Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là 2 công trình "để đời cho con cháu" cần giao Thủ tướng Chính phủ "cầm trịch".
"Nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng "xôi đỗ" và không đồng nhất", đại biểu Nguyễn Văn Thân bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn. Làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn.
Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.
Nên có cơ chế giám sát
Trong khi đó, đại biểu Lê Hoài Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) nhất trí với chủ trương đầu tư đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu Lê Hoài Trung, hai dự án còn gắn với những đột phá về cơ sở hạ tầng để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030 và là những khu vực có ý nghĩa chiến lược.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm,…. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu Lê Hoài Trung kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn.
Đại biểu Lê Hoài Trung lấy ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những cái nhóm lưu động.
Bên cạnh đó, cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư,…từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết và giúp thúc đẩy.
Mặt khác, đại biểu Lê Hoài Trung cho rằng: "Nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót. Đồng thời, nên quan tâm đến lợi ích thích đáng của các nhà đầu tư".
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.
Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận