24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu ‘hy sinh’ sản phẩm công nghiệp lớn nhất - động cơ ô tô

Sau gần 150 năm phục vụ nền kinh tế, động cơ đốt trong nay sẽ trở thành đống phế liệu.

Theo trang Politico, Brussels đã gạt bỏ những phàn nàn của ngành công nghiệp sang một bên để chấm dứt bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel.

"Thỏa thuận xanh - ô tô sạch"

Trong cuộc đàm phán kết thúc vào tối 27/10, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đặt ra quy định bắt buộc bán xe ô tô và xe tải mới không phát thải khí nhà kính từ năm 2035. Thỏa thuận này đảm bảo chiến thắng đầu tiên cho Ủy ban châu Âu (EC) khi cơ quan này thúc đẩy thông qua một gói “luật xanh” và hy sinh một trong những sản phẩm công nghiệp lớn nhất của lục địa: động cơ ô tô tiêu thụ xăng.

"Thỏa thuận gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến ngành công nghiệp và người tiêu dùng: Châu Âu đang đón nhận sự chuyển đổi sang phương thức di chuyển không phát thải", ông Frans Timmermans, Giám đốc Thỏa thuận Xanh của EU, cho biết sau 4 giờ đàm phán.

Khi xác nhận lệnh cấm động cơ, Brussels đã từ chối các chính trị gia cao cấp của Đức, lãnh đạo các hãng sản xuất ô tô và phụ tùng trong ngành công nghiệp xe hơi hùng mạnh từng một thời vận động quyết liệt chống lại việc chỉ đặt cược vào xe chạy pin trong nỗ lực giải quyết lượng khí thải từ giao thông.

Vị thế tiên phong của EU có thể không duy trì được lâu, vì các tiểu bang của Mỹ như California và New York cũng đang hướng tới mục tiêu “ô tô sạch” vào năm 2035, trong khi các nền kinh tế phát triển khác hiện đang xem xét chính sách tương tự. Chẳng hạn, nước đi đầu về ô tô điện là Na Uy sẽ đạt được mục tiêu đó ngay từ năm 2025.

Châu Âu ‘hy sinh’ sản phẩm công nghiệp lớn nhất - động cơ ô tô
Trụ sở nhà sản xuất ô tô của Đức, Volkswagen. Ảnh: AFP/Getty Images

Các quy định mới của EU sẽ không ảnh hưởng đến những chiếc xe ô tô cũ hơn đã có mặt trên thị trường vào năm 2035, nhưng tham vọng tổng thể của khối là đảm bảo rằng tất cả các phương tiện bên trong EU sẽ không phát thải vào năm 2050.

Điều ngạc nhiên lớn ở Brussels đã đạt được đồng thuận khá dễ dàng.

Những nỗ lực trước đây của EU nhằm điều chỉnh các cải tiến gia tăng trong tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của xe đã kéo dài trong nhiều năm, với cuộc vận động hành lang quyết liệt, những yêu cầu miễn trừ và các điều kiện đặc biệt cho đủ thứ từ xe thể thao đến SUV.

Nhưng lần này, châu Âu chỉ mất 15 tháng kể từ khi luật được ban hành vào tháng 7 năm ngoái, để đi đến chốt mục tiêu loại bỏ ô tô phát thải vào năm 2035.

Một quan chức Nghị viện châu Âu cho biết: "Đó là một bước đi mang tính biểu tượng cho việc EU đang thúc đẩy tham vọng cao hơn ngay bây giờ" – có ý đề cập đến thời gian đạt được thỏa thuận diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh COP27 toàn cầu tại Ai Cập, bắt đầu ngày 6/11.

Thất bại của nhiên liệu điện tử

Trong khi Pháp vận động hành lang để bảo vệ xe lai (hybrid) và Italy tìm cách bảo vệ những chiếc siêu xe sang trọng của mình khỏi lệnh cấm năm 2035, thì Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là cái nôi của động cơ đốt trong - chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ​​các tiêu chuẩn mới.

Sự chấp thuận của các nước EU cho mục tiêu “ô tô sạch” năm 2035 phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ mới của Đức –vốn đã nhậm chức với cam kết ủng hộ gói giảm khí thải của châu Âu, nhưng sau đó lại bị chia rẽ về vấn đề này.

Châu Âu ‘hy sinh’ sản phẩm công nghiệp lớn nhất - động cơ ô tô
Mẫu xe chạy e-fuel của Porsche.

Nhiều nhà sản xuất ô tô, bao gồm Volvo, Ford và Stellantis, đã áp dụng trước luật “ô tô sạch” của EU với kế hoạch chấm dứt bán các loại xe gây ô nhiễm trước năm 2035. Những tên tuổi khác, như Renault, Zipse của BMW và gần đây là Volkswagen, thì vận động hành lang để có thêm thời gian cho các loại xe lai hoặc xe chạy e-fuel (nhiên liệu điện tử), một loại nhiên liệu tổng hợp được tạo ra bằng cách kết hợp CO2 và hydro trong khí quyển và có thể được sử dụng trong các động cơ truyền thống.

Trong khi Đảng Xanh của Đức, đảng kiểm soát các bộ kinh tế, khí hậu và môi trường, đấu tranh để duy trì đường lối của Ủy ban châu Âu về nhiệm vụ không phát thải, thì đảng Dân chủ Tự do - điều hành các bộ tài chính và giao thông, lại yêu cầu cho phép bán xe chạy bằng e-fuel vẫn được tiếp tục kể cả sau thời hạn 2035.

Cuối cùng, sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ đã khiến Đức phản đối “luật xanh” ở Brussels.

Tại cuộc họp kín của các nhà ngoại giao EU hôm 21/10, Hungary - với sự hỗ trợ của các quốc gia xe hơi như Italy, Romania và Slovakia - đã tìm kiếm sự ủng hộ để thúc đẩy vào phút chót thay đổi luật, để Ủy ban châu Âu sẽ phải cam kết với nhiên liệu điện tử.

Nhưng đề xuất này đã bị các nhà ngoại giao từ các nước khác từ chối trước cuộc đàm phán căng thẳng hôm 27/10 tại Ủy ban châu Âu, mở đường cho thỏa thuận xác nhận mục tiêu là năm 2035.

Những lo ngại khác

Tuy vậy, các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ không thực sự làm sạch hoạt động giao thông vì nó không giải quyết được vấn đề giá cả, khi xe điện vẫn đắt đỏ đối với một số người. Jens Gieseke, một nghị sĩ bảo thủ của Đức, người ủng hộ nhiên liệu điện tử, mỉa mai: "Sau năm 2035, các đường phố của chúng ta có thể đầy những chiếc xe hơi cổ, bởi vì những chiếc xe điện mới không có sẵn hoặc không có giá phải chăng."

Lập luận từ ông Gieseke và ngành công nghiệp ô tô là việc bắt buộc chuyển sang xe điện ở châu Âu sẽ không có tác dụng gì trong việc khử carbon đối với ước tính khoảng 1,3 tỷ chiếc ô tô đang được lưu hành trên toàn thế giới, khi mà động cơ đốt trong vẫn sẽ được bán tràn lan ở các nước đang phát triển.

Hơn nữa, việc thực hiện mục tiêu năm 2035 tại sân nhà châu Âu sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng sạc xe điện, cùng với nỗ lực đảm bảo quyền truy cập vào nguồn nguyên liệu thô cần thiết để chế tạo hàng triệu bộ pin mới.

Các nhà phê bình cũng lo ngại các quy định của EU sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trỗi dậy. Tại Triển lãm Ô tô Paris diễn ra vào tháng 10, các thương hiệu có trụ sở tại Trung Quốc như BYD và Great Wall đã trình làng những mẫu xe chạy điện hoàn toàn mới nhằm vào thị trường châu Âu. Những tên tuổi mới vào châu Âu này có khả năng tiếp cận chắc chắn với pin, bởi Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất pin.

Ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành tập đoàn xe hơi khổng lồ Stellantis, cho biết điều đó biến các quy định về khí thải của EU trở thành một "lợi thế" cho các công ty mới nổi ở Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả