24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu đề xuất cấm các thương hiệu thời trang tiêu hủy áo quần không bán được

Nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ lệnh cấm các thương hiệu thời trang tiêu hủy áo quần không tiêu thụ được. Đây là một nỗ lực giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp dệt may, vốn đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính của EU.

Một lệnh cấm như vậy, nếu được thực thi, sẽ tiếp tục nâng cao uy tín của Brussels trong cuộc chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngành dệt may và một số nhà chính trị cảnh báo quá nhiều quy định về môi trường có nguy cơ bóp nghẹt các nền kinh tế châu Âu.

Đối với các nhà bán lẻ thời trang, áo quần bị người tiêu dùng trả lại rất phức tạp để xử lý, do đó, họ thường chọn cách tiêu hủy. Các thương hiệu thiết kế thời trang cũng thường xuyên tiêu hủy hàng tồn kho không bán được để ngăn chúng xuất hiện trên thị trường chợ đen. Nhà bán lẻ thời trang Burberry của Anh tiết lộ đã đốt lượng hàng hóa không bán được trị giá 28,6 triệu bảng vào năm 2018. Hoạt động này sau đó đã dừng lại do vấp phải sự phản đối dữ dội. Các tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích đây là hành động lãng phí.

Năm 2017, thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển cho biết đốt 12 tấn áo quần không bán được mỗi năm kể từ năm 2013. Các thương hiệu thời trang và phụ kiện xa xỉ như Louis Vuitton, Coach, Michael Kors, Juicy Couture cũng chọn giải pháp này đối với hàng ế. Đốt hàng tồn kho được cho là cách tiết kiệm chi phí nhất để các thương hiệu xa xỉ bảo vệ tính độc quyền và tránh làm giảm giá trị hình ảnh của họ. Thời trang xa xỉ là biểu tượng của địa vị, vì vậy, việc đốt hàng tồn kho dư thừa, thay vì bán giảm giá, sẽ duy trì giá trị và tính độc quyền của thương hiệu.

Nhiều thương hiệu cũng e ngại “thị trường xám”, nơi hàng cao cấp chính hãng được mua với giá rẻ rồi bán lại. Richemont (Thụy Sĩ), công ty mẹ của các thương hiệu đồng hồ cao cấp như Cartier và Montblanc, đã vướng vào tranh cãi sau khi mua lại những chiếc đồng hồ không bán được trị giá gần 500 triệu euro từ các nhà bán lẻ chỉ để tiêu hủy nhằm ngăn chặn chúng bị bán giảm giá ở mức quá rẻ.

Tháng 3 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đưa ra dự thảo về Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) nhằm khuyến khích tái chế và tái sử dụng các sản phẩm tiêu dùng trên toàn khối. EC lưu ý việc tiêu hủy các sản phẩm tiêu dùng không bán được hoặc bị trả lại, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép đã trở thành “một vấn đề môi trường phổ biến” do doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng.

“Việc tiêu hủy sản phẩm tiêu dùng không bán được dẫn đến sự mất mát các nguồn lực kinh tế có giá trị vì hàng hóa được sản xuất, vận chuyển và sau đó bị tiêu hủy mà không bao giờ được sử dụng cho mục đích dự kiến của chúng”, EC cho biết.

Tuy nhiên, EC không đề xuất cấm tiêu hủy quần áo không bán được, thay vào đó, yêu cầu tất cả các công ty lớn báo cáo về số lượng hàng tồn kho bị loại bỏ.

Hôm 12-5, nhiều nước thành viên EU đã ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn: cấm tiêu hủy “quần áo hoặc phụ kiện quần áo” không bán được.

Vào đầu tuần này, các nước như Thụy Điển, quê hương của hãng bán lẻ thời trang khổng lồ H&M, kêu gọi loại bỏ đề xuất về lệnh cấm này khỏi ESPR nhưng không thành công. Pháp, Đức và Hà Lan nằm trong số các nước thành viên EU thúc đẩy đưa đề xuất này vào ESPR.

“Đề xuất này rất phù hợp với mục tiêu của EU về các mục tiêu tái chế và môi trường. Tôi không cho rằng điều này sẽ gây gánh nặng cho các doanh nghiệp”, một nhà ngoại giao EU nói.

Theo đề xuất, các doanh nghiệp nhỏ sẽ được miễn lệnh cấm và các doanh nghiệp vừa, có tổng số nhân viên dưới 250 người và doanh thu hàng năm thấp hơn 50 triệu euro, sẽ có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh trước khi thực hiện lệnh cấm. Thông tin chi tiết khác vẫn đang được thảo luận.

Theo EC, đề xuất cấm tiêu hủy quần áo không bán được sẽ giúp tránh lãng phí đồng thời không khuyến khích sản xuất quá mức. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng ngăn chặn tình trạng méo mó của thị trường, cũng như giúp giảm tác động môi trường của ngành dệt may.

Đề xuất này cần được tất cả các nước EU phê duyệt và được Nghị viện châu Âu nhất trí trước khi trở thành luật. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ bỏ phiếu về đề xuất vào ngày 22-5.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả