24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Á đối mặt với một trong những kịch bản kinh tế tồi tệ nhất 50 năm qua

Đà phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc và chính sách thương mại của Mỹ dự kiến sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của cả châu Á trong năm 2024.

Tác động lây lan từ Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024, đồng thời cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất 50 năm, do chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và nợ công gia tăng làm cản trở kinh tế.

Những dự báo ảm đạm về năm 2024 của WB cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng suy yếu của Trung Quốc và việc nó sẽ lan sang châu Á như thế nào. Năm nay, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đặt ra một trong những mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, khoảng 5%.

Trích dẫn một loạt chỉ số yếu kém của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, WB cho biết họ dự báo sản lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng 4.4% vào năm 2024, giảm so với dự báo 4.8% được đưa ra hồi tháng 4.

Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, xuống 4.5%, từ mức dự đoán hồi tháng 4 là 4.8% và thấp hơn mức 5% dự kiến ​​của năm nay.

WB hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển ở khắp châu Á trong năm 2024

Châu Á đối mặt với một trong những kịch bản kinh tế tồi tệ nhất 50 năm qua

Các dự báo này cho thấy khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, một trong những động lực tăng trưởng chính của thế giới, sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuối những năm 1960, ngoại trừ thời điểm xảy ra các sự kiện bất thường như đại dịch COVID-19, khủng hoảng tài chính châu Á và cú sốc dầu mỏ toàn cầu vào những năm 1970.

Ông Aaditya Mattoo - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, các nhà kinh tế từng kỳ vọng rằng sau khi gỡ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt, Trung Quốc sẽ phục hồi bền vững và mạnh mẽ hơn, nhưng thực tế lại không được như vậy. Theo số liệu của WB, doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm xuống dưới mức trước đại dịch COVID-19, giá nhà trì trệ, nợ hộ gia đình gia tăng trong khi đầu tư của khu vực tư nhân sụt giảm.

Ông Mattoo cảnh báo nền kinh tế của khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, trừ phi các chính phủ, bao gồm cả Trung Quốc, bắt tay vào cải cách lĩnh vực dịch vụ “sâu sắc hơn”. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi để thoát khỏi chính sách tăng trưởng dựa vào bất động sản và đầu tư đang là thách thức đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

“Đối với khu vực thực sự phát triển mạnh nhờ thương mại và đầu tư vào sản xuất này, ‘chìa khóa’ tiếp theo cho tăng trưởng sẽ đến từ việc cải cách các lĩnh vực dịch vụ để khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số”, ông nói.

Nguyên nhân là nhu cầu toàn cầu yếu hơn đang gây thiệt hại cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. So với quý 2/2022, xuất khẩu hàng hóa giảm hơn 20% ở Indonesia và Malaysia, giảm hơn 10% ở Trung Quốc và Việt Nam. Nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đồng loạt gia tăng, khiến triển vọng tăng trưởng thêm u ám.

Tác động từ chính sách bảo hộ

Ngoài tác động từ Trung Quốc, phần lớn khu vực cũng đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các chính sách công nghiệp và thương mại mới của Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật Chips và Khoa học (Chips).

Suốt nhiều năm qua, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thuế quan mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh đã mang lại lợi ích cho Đông Nam Á, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.

Dự báo cụ thể của WB đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á

Châu Á đối mặt với một trong những kịch bản kinh tế tồi tệ nhất 50 năm qua

Nhưng việc đưa ra luật IRA và Chips vào năm 2022, những chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất của Mỹ và cắt giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á. Xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Mỹ sụt giảm.

Ông Mattoo cho biết: “Toàn bộ khu vực này từng được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng giờ đây lại bị vạ lây từ chính xu hướng dịch chuyển thương mại đó”.

Theo WB, xuất khẩu hàng điện tử và máy móc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, sụt giảm sau khi chính sách bảo hộ của Tổng thống Joe Biden có hiệu lực.

Ví dụ, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam, nhưng lượng hàng xuất khẩu đã giảm 19.1% từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, so với mức tăng 13.6% trong cùng kỳ của năm 2022.

Trong khi đó, thương mại giữa Mỹ với các quốc gia bao gồm Canada và Mexico đã không suy giảm nhờ hàng hoá được miễn một số yêu cầu theo trợ cấp của Washington.

Trước tình thế này, các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang cố gắng tìm cách để được Mỹ đối xử công bằng với Canada, Mexico.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả