CEO Thiên Long: Hàng giá rẻ Trung Quốc gây áp lực cạnh tranh khốc liệt
CEO Thiên Long cho biết doanh nghiệp gần đây đã phải đối mặt với áp lực kép từ sự sụt giảm nhu cầu và sự cạnh tranh của hàng giá rẻ Trung Quốc qua các nền tảng thương mại điện tử.
Chia sẻ bên lề diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp Vietnam Brand Purpose tổ chức ngày 22/11, bà Trần Phương Nga, CEO CTCP Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) cho biết thời gian qua, khi nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nước này đã đưa hàng giá rẻ tràn sang Việt Nam, đặc biệt là qua thương mại điện tử.
Trong khi đó, sự thay đổi hành vi tiêu dùng khi học tập, làm việc trực tuyến tăng cao trong và sau đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu với các sản phẩm văn phòng phẩm giảm mạnh.
"Trước tình trạng sức mua giảm sút và áp lực cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán khó. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất mà Thiên Long phải đối mặt", bà Nga tâm sự.
Cải tiến, thay đổi
Để thích ứng, CEO Thiên Long cho biết doanh nghiệp đã định hướng thay đổi tầm nhìn, cải tiến sản phẩm nhằm cân bằng giữa việc đổi mới và giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững.
"Công ty không chỉ tái chế phế phẩm nhựa mà còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế việc bán phế liệu", bà chia sẻ thêm.
Dù vậy, theo bà Nga, những cải tiến trong sản xuất đòi hỏi chi phí lớn, không chỉ về nhân sự mà còn công nghệ, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bà nhận định việc đổi mới tại các doanh nghiệp lớn đồng nghĩa với chi phí rất cao, từ việc thay đổi hàng loạt thiết bị đến áp dụng công nghệ tiết kiệm điện và giảm thiểu phế phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải cân bằng các yếu tố về giá để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Do vậy, quá trình R&D các sản phẩm tái chế gặp nhiều khó khăn, từ việc tối ưu chi phí, đảm bảo tính thẩm mỹ, đến thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm.
Đặc biệt, công ty cũng gặp khó khăn trong việc đồng bộ lợi ích của 3 nhóm khách là phụ huynh (ưu tiên sự an toàn), học sinh (mẫu mã đẹp) và điểm bán (đòi hỏi doanh số).
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nhờ chiến lược phát triển bền vững được xây dựng hơn 10 năm qua, Thiên Long đã từ một doanh nghiệp nhỏ trên thương mại điện tử vươn lên dẫn đầu ngành văn phòng phẩm, vượt qua cả các đối thủ Trung Quốc.
Vị CEO cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững của Thiên Long không nhằm tạo khác biệt cạnh tranh mà xuất phát từ tâm huyết xây dựng giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Không nên xem phát triển bền vững là yếu tố bổ sung
Thực tế, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nhận định nếu chỉ coi bền vững là một yếu tố bổ sung, thương hiệu sẽ khó có thể tạo ra giá trị lâu dài.
"Thay vào đó, phát triển bền vững cần trở thành một phần cốt lõi và chân thực trong giá trị thương hiệu", ông nói.
Theo ông, các doanh nghiệp cần sử dụng nghiên cứu và phân tích để hiểu rõ các bên liên quan, từ đó tích hợp bền vững vào thuộc tính căn bản của sản phẩm. Khi làm được điều này, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm một cách tự nhiên khi có nhu cầu.
Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại diễn đàn ngày 22/11.
Tuy nhiên, ông Alex lưu ý nếu yếu tố bền vững không gắn liền với thương hiệu hoặc tạo ra sản phẩm có giá quá cao, không đáp ứng được nhu cầu thực tế, giá trị bền vững sẽ suy giảm và biến mất theo thời gian.
Theo Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng khác nhau tùy theo ngành. Tuy nhiên, đối với phân khúc xa xỉ, phát triển bền vững có ý nghĩa quan trọng, và khi được thực hiện đúng, giá trị thương hiệu sẽ được nâng cao đáng kể.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA nhìn nhận sức mạnh thương hiệu có thể tạo ra tác động lớn bằng cách dẫn dắt thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng, hướng tới lối sống bền vững.
Chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng một cách sâu rộng, chiến lược phát triển bền vững mới có thể hiện thực hóa, tạo ra tác động kinh tế cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA phát biểu tại diễn đàn.
Ông cho biết thực hiện chỉ đạo từ UBND TP.HCM, HUBA đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu.
Đồng thời, hiệp hội cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm xây dựng các chính sách đột phá, hỗ trợ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tiềm năng trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông, kết quả từ nhiệm vụ này không chỉ cung cấp cơ sở khoa học để tham mưu cho TP.HCM triển khai đề án mà còn tạo nền tảng thực tiễn để áp dụng và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường