CEO Lê Quốc Bình chia sẻ cách CII huy động vốn qua Fintech và kỳ vọng nợ về 0
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) muốn tạo ra một công cụ Fintech để người dân được đầu tư trực tiếp vào dự án BOT thông qua smartphone.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình bất ngờ chia sẻ việc đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính an toàn trên nền tảng Fintech.
Được biết mục đích của phương án này nhằm tái cấu trúc toàn diện dòng tiền tương lai tất cả tài sản hiện hữu của Công ty. Đây sẽ là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn nhiều so với các sản phẩm “tái cấu trúc dòng tiền” mà CII từng thực hiện.
Thông qua sản phẩm này, CII có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước.
Trước mắt, Công ty đặt mục tiêu thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20.000 tỷ đồng, dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí.
Hiện tại, CII cũng đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu một số dự án BOT mới có tổng mức đầu tư đến hơn 40.000 tỷ đồng. Do vậy, việc phát hành thành công sản phẩm trái phiếu nói trên sẽ là cầu nối quan trọng giúp CII đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư ngày càng cao cho các dự án BOT trong tương lai.
Nói thêm về phương án này, vị Tổng Giám đốc cho biết hiện nay, việc sử dụng smartphone rất phổ biến, tiền gửi kỳ hạn của người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng lớn. CII muốn tạo ra một công cụ Fintech để người dân được đầu tư trực tiếp vào dự án BOT thông qua smartphone.
CII đang làm việc với 4 ngân hàng có tên tuổi và 15 đơn vị khác gồm công ty chứng khoán, ví điện tử để thực hiện. Bản thân CII sẽ thành lập một công ty Fintech, sản phẩm đầu tiên là trái phiếu cho xa lộ Hà Nội.
Tổng số tiền mà CII kỳ vọng thu được từ các sản phẩm trái phiếu đang xây dựng (4 sản phẩm) là 11.000 tỷ đồng. “Nếu làm xong sản phẩm Fintech nợ CII sẽ về 0” - Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình lạc quan.
Theo BCTC năm 2020, đến ngày 31/12, nợ phải trả của CII tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 21.700 tỷ đồng. Trong khi vay nợ ngắn hạn của Công ty giảm 35%, còn gần 3.300 tỷ đồng, thì vay nợ dài hạn lại tăng đến 51%, lên hơn 13.270 tỷ đồng.
CII được giới đầu tư biết đến là doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh chính không đủ để đầu tư, doanh nghiệp liên tục gia tăng nợ vay. Trong đó, năm 2020 là năm doanh nghiệp phải đáo hạn nhiều khoản nợ vay, điều này gây áp lực khá lớn lên dòng tiền.
Doanh tiền hoạt động kinh doanh của CII năm 2020 bị âm gần 1.400 tỷ đồng. Theo ông Bình, giai đoạn 2019-2021 là giai đoạn tập trung tích lũy tài sản khiến dòng tiền âm.
“CII từ năm 2016 không phát hành tăng vốn nhưng thực hiện được nhiều dự án, điều đó khiến doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu, dòng tiền âm. Từ năm 2022 trở đi, sau khi tích lũy xong tài sản, dòng tiền CII sẽ dương trở lại”, ông Bình khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận