24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

CEO JPMorgan Chase dè dặt về triển vọng kinh tế Mỹ 2024-2025

Trong mấy năm trở lại đây, ông Dimon thường tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh tế Mỹ, cho dù JPMorgan Chase đạt lợi nhuận kỷ lục và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ liên tục vượt qua kỳ vọng...

Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase nói rằng ông vẫn còn thận trọng về nền kinh tế Mỹ trong 2 năm tới do sự kết hợp giữa một loạt rủi ro tài chính và địa chính trị.

“Tất cả những lực lượng rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong năm 2024 và 2025”, ông Dimon phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC khi đang tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Ngân hàng Thế giới ở Davos, Thuỵ Sỹ.

“Chiến tranh ở Ukraine, xung đột ở dải Gaza, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, và chính sách thắt chặt định lượng - một chính sách mà tôi vẫn đặt câu hỏi là liệu chúng ta có thực sự hiểu là vận hành như thế nào hay không”, ông Dimon nói.

Thắt chặt định lượng (QT) là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm quy mô của bảng cân đối kế toán bằng cách bán bớt lượng chứng khoán đang nắm giữ, qua đó hút bớt tiền mặt khỏi nền kinh tế. QT là quy trình ngược với nới lỏng định lượng (QE) - chính sách mua tài sản, qua đó bơm tiền vào nền kinh tế để kích cầu - mà Fed đã triển khai trong những giai đoạn như đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong mấy năm trở lại đây, ông Dimon thường tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh tế Mỹ, cho dù JPMorgan Chase đạt lợi nhuận kỷ lục và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ liên tục vượt qua kỳ vọng. Dù đương đầu với sức ép từ lạm phát và lãi suất cao, người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì vững mức chi tiêu nhờ tỷ lệ thất nghiệp thất, tiền lương tăng và lượng tiền tiết kiệm dồi dào từ thời đại dịch.

Ông Dimon cho rằng việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong những tháng gần đây đã khiến nhà đầu tư không nhận thấy những rủi ro tiềm tàng phía trước. Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 19% trong vòng 1 năm trở lại đây và hiện cách không xa mức kỷ lục.

“Tôi cho rằng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng mọi thứ đang tuyệt vời”, ông Dimon nói. “Khi chứng khoán tăng điểm, điều đó giống như một chất men khiến chúng ta cảm thấy khoan khoái. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta đã trải qua một thời kỳ kích cầu mạnh mẽ bằng chính sách tài khoá, nên tôi hơi nghiêng về thận trọng một chút”.

Trong một cuộc trao đổi khác cùng ngày 17/1, CEO David Solomon của Goldman Sachs - một nhà băng hàng đầu khác của Mỹ - nói rằng tình hình thị trường hiện nay, nếu không tính vấn đề địa chính trị, là tốt hơn so với cách đây 1 năm. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về mức nợ công cao ngất ngưởng của Mỹ.

“Tôi rất lo về tình trạng nợ tăng. Đó là một rủi ro lớn mà chúng ta sẽ phải xử lý và thức tỉnh. Nhưng điều đó chắc sẽ không diễn ra trong 6 tháng tới”, ông Solomon nói.

Về phần ông Dimon, đây không phải là lần đầu tiên ông đưa ra dự báo ảm đạm. Năm 2022, ông đã cảnh báo nhà đầu tư về một “trận bão” kinh tế chờ đón phía trước do thắt chặt định lượng và chiến tranh Nga-Ukraine.

Ông Dimon, người trở thành CEO của JPMorgan Chase vào năm 2005, hiện đang là “sếp tổng” lâu năm nhất của một ngân hàng lớn ở Mỹ và là người duy nhất còn giữ vị trí như vậy kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy không phải lúc nào ông Dimon cũng đưa ra các dự báo kinh tế chính xác, nhưng JPMorgan Chase được xem là ngân hàng lớn đang có được vị thế tốt nhất trong kỷ nguyên lãi suất cao ở Mỹ. Vị thế này có được là nhờ tầm nhìn sáng suốt, khi ngay từ năm 2020 JPMorgan Chase đã phát tín hiệu sẽ không nhân cơ hội dòng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng ở giai đoạn đầu của đại dịch để đầu tư mạnh vào các tài sản rủi ro.

Một số đối thủ của JPMorgan Chase đã dùng tiền gửi đó để đầu tư vào các trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tìm kiếm mức lợi suất cao hơn. Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, giá trị của các trái phiếu này sụt giảm mạnh, gây ra thua lỗ lớn. Đó chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ hồi đầu năm 2023, bao gồm một số nhà băng như Sillicon Valley Bank sụp đổ.

Trái lại, JPMorgan Chase đã hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng đó. Hồi tháng 5/2023, ngân hàng này thắng trong một cuộc đấu giá cho cơ quan chức năng tổ chức, giành quyền mua lại phần lớn First Republic, một ngân hàng khu vực ở San Francisco sụp đổ trong cuộc khủng hoảng nói trên. Việc thâu tóm hoạt động của First Republic khiến cho JPMorgan Chase càng có lãi hơn.

Trong báo cáo tài chính mới đây, JPMorgan Chase cho biết lợi nhuận cả năm 2023 đạt gần 50 tỷ USD, một con số cao kỷ lục. Trong đó có 4,1 tỷ USD lợi nhuận đến từ First Republic.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
5,948.70 +31.60 (+0.53%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả