CEO Đạm Cà Mau tiết lộ giá trị thương vụ mua lại nhà máy NPK công suất 360.000 tấn/năm
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư do CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã chứng khoán: DCM) tổ chức chiều 28/11, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh đã có một số chia sẻ về tình hình kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp cũng như định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết đã ký thỏa thuận với Tập đoàn TKG Taekwang and Huchem (Hàn Quốc) về việc chấp thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF), dự kiến hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trong 2023.
Ông Thanh chia sẻ KVF được phía Hàn Quốc đầu tư ban đầu với giá trị khoảng 89 triệu USD và Đạm Cà Mau đã mua lại với giá trị thương vụ tối đa 25 triệu USD. Công ty này tọa lạc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) với diện tích 8,8 ha, nếu mua theo giá mặt bằng thông thường số tiền có thể lên đến 17 triệu USD, nên giá mua KVF như trên là hợp lý.
Về lợi ích của thương vụ, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết khi có thêm KVF công ty sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu khá cạnh tranh để cung cấp cho nhà máy. Bên cạnh đó, công ty sẽ có thương hiệu NPK mới liên quan đến KVF, công suất sản xuất NPK dự kiến 360.000 tấn/năm.
Ông cũng cho hay KVF hiện đang lỗ, con số cụ thể sẽ được công bố sau khi kiểm toán hoàn tất, đồng thời kỳ vọng đến cuối 2024 công ty này sẽ hết lỗ và qua 2025 sẽ có lãi, chủ yếu dựa trên việc chủ động được cả đầu ra và đầu vào.
Về hình hình kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết trong năm công ty đã gặp một số khó khăn nhất định khi giá khí tăng 13% so với kế hoạch, giá các nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng trong khi giá phân bón giảm 16% so với kế hoạch 2023 và giảm 38% so với năm 2022.
Cụ thể, giá phân bón đang đi ngang và dự báo dao động 325 - 435 USD/tấn. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, urê nhập khẩu từ Brunei, Indonesia… tăng và cạnh tranh với nguồn trong nước.
Ông Thanh dự báo giá phân bón có thể diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới, khi Nga và Trung Quốc có chính sách hạn chế xuất khẩu . Ông tiết lộ thêm rằng có thể sắp tới Nga sẽ cấm xuất khẩu phân bón ngoài khối liên hiệp của nước này trong vài tháng, với khối lượng ước tính 16,3 triệu tấn, trong đó urê chiếm 9,8 triệu tấn.
Cả năm 2023, công ty ước tính doanh thu đạt 13.504 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.029 tỷ đồng, giảm gần 18% và 78% so với năm trước. Doanh thu năm 2022 đạt 16.380 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.596 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty dự kiến trình kế hoạch doanh thu 11.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 761 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 26% so với ước tính năm 2023. Phía công ty cũng nhìn nhận thường đặt kế hoạch trọng hơn so với khả năng thực hiện.
Dù vậy, hoạt động sản xuất - xuất khẩu nông sản, điển hình là lúa gạo, vẫn được dự báo tương đối khả quan trong 2024 trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới còn nhiều biến động. Thực tế năm 2023 hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang tiến triển tốt, ví dụ như rau củ quả, bao gồm sầu riêng tăng trưởng cao... là tín hiệu tốt giúp nông dân có động lực canh tác.
Ngoài việc mua KVF nêu trên, công ty còn có kế hoạch đầu tư hệ thống kho bãi tại các thị trường mục tiêu như TP HCM và lân cận, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Quy Nhơn, Tây Nguyên... và nghiên cứu đầu tư, sản xuất các loại khí công nghiệp và hóa chất dựa trên nền công nghệ của nhà máy hiện hữu.
Kết quả 10 tháng đầu 2023, công ghi nhận doanh thu 10.118 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 804 tỷ đồng, đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (doanh thu 13.080 tỷ đồng và LNTT 3.892 tỷ đồng). Tính từ 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh thu đạt 14% mỗi năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận