Câu chuyện vàng ở Việt Nam
Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, luôn có sức hút mãnh liệt của mọi tầng lớp xã hội. Nhưng vàng có thực sự quý như người ta tưởng hay không? Tôi xin được chia sẻ góc nhìn cá nhân qua những kỷ niệm về vàng tại Việt nam.
VÀNG THẾ GIỚI QUA CÁC THỜI KỲ
Đầu thế kỷ 20 khoảng những năm 1900 giá vàng chỉ ở quanh mức 20$/ounce. Sau đó đúng 100 năm vàng tăng giá lên hơn 10 lần, nhưng cũng chỉ ở mức dưới 300$/ounce. Vàng chỉ thực sự tăng giá mạnh từ những năm 2012, đạt đỉnh 1800$. Sau đó là chu kỳ giảm trong 3 năm liên tiếp về đến 1100$, tức mức giảm trên 50% chỉ trong thời gian ngắn. Bắt đầu từ đại dịch Covid-19 vàng tăng phi mã. Giá vàng đang neo cao ở vùng đỉnh tiệm cận 2500$, một mức khó tưởng tượng ở thời điểm vài năm trước đây.
Vậy lý do gì làm vàng tăng cao đến như vây? Nếu xét về độ quý hiếm thì vàng là kim loại không quá hiếm. Người ta nghiên cứu ra rằng vàng có trữ lượng ở lõi trái đất là 60.000 tỷ tấn, tức nếu chia bình quân đầu người mỗi người sở hữu 9.000 tấn vàng. Trong thực tế vàng chỉ khai thác được 190.000 tấn. Lý do là công nghệ khai thác chỉ ở phần vỏ nông, còn sâu hơn thì chưa cho phép. Chi phí khai thác vàng hiện nay giao động từ 1200$-1500$/ounce. Vàng đúng là có sự quý hiếm hơn so với một số kim loại hay khoáng chất khác, nhưng cũng không phải là đứng đầu. Nếu so với bạch kim, kim cương, thì vàng có trữ lượng nhiều hơn rất nhiều. Lý do chủ yếu đẩy giá vàng lên cao hơn giá vốn khai thác quá nhiều là bởi tính đầu cơ mang màu sắc chính trị. Trung quốc, Mỹ, Nga, đều là những nước có dự trữ vàng rất lớn. Vàng là thứ dù quý hiếm nhưng có khối lượng đủ lớn để biến thành vũ khí trong chiến tranh tiền tệ giữa các cường quốc. Do lịch sử từ thời trước công nguyên với tính chất coi vàng là tiên tệ, dùng để trao đổi hàng hóa. Cho nên vàng cũng là một loại tiền. Với việc vàng là loại lưỡng cư như vậy, rất dễ để đầu cơ. Tính chất đầu cơ vàng lên rất cao bởi nó không bao giờ mất thanh khoản, đủ sức hút cho cầu lớn khi giảm, cung hàng thì cũng vô biên.
VÀNG Ở VIỆT NAM
Với tính cách Á Đông người Việt luôn coi trọng vàng, từ thế kỷ 19 người giàu có ở VN là hình ảnh nhà có nhiều vàng. Những câu chuyện tản cư năm 1945 đều kể về những người "dắt vành váy" nhiều khâu vàng. Ngay cả đến chính quyền Cách mạng của cụ Hồ khi cần xây dựng cũng kêu gọi quyên góp vàng. Tấm gương của gia đình cụ Trịnh Văn Bô nhiều người Hà nội cổ chắc cũng biết. Sự giàu có khi đó gắn với vàng.
Chiến tranh trong 30 năm làm cho vàng gần như biến mất tại miền Bắc. Người ta lo cho cái ăn cái mặc còn không đủ thì nghĩ gì đến vàng. Ở miền Bắc gần như không có tiệm vàng. Những cửa hàng vàng ở phố Hàng Bạc chuyển vào HTX, chủ yếu là gia công đồ trang sức. Chức năng mua bán vàng ở miền Bắc không có. Trong khi đó ở miền Nam thì vàng lại khá thịnh vượng. Thương hiệu vàng lá Kim Thành nổi đình đám.
Sau khi thống nhất đất nước là thời kỳ cả nước rơi vào suy thoái khó khăn. Những tài sản quý của lớp người chế độ cũ miền Nam như vàng, hột xoàn, lần lượt phải mang ra để đổi lấy bữa ăn hàng ngày. Chính điều này làm cho vàng trở thành công cụ giống tiền tệ. Người ta mua bán mọi thứ bằng vàng. Tôi còn nhớ vào năm 1982 bố tôi mua 1 chếc TV hiệu Denon có cửa lùa, chân đứng giá 2 cây, 1 chiếc tủ lạnh Sanyo giá 1.2 cây. Và đặc biệt mua 1 chiếc xe Cub 81 giá 3.7 cây. Sau này khi có xe Dream 2 thì có lúc xe Thái lên đến 10 cây vàng. Nhà cửa cũng vậy, đều tính theo vàng cả. Tôi mua miếng đất Phổ Quang 130m2 có giá 4.3 cây. Sau này biếu thêm cho cô con gái chủ đất 1 cái máy may "Con bướm" giá 2 chỉ.
Vì Việt nam bị cấm vận cho nên giá vàng ít có sự liên thông với thế giới. Giá vàng vào thập niên 90 của thế kỷ trước khoảng 2 triệu /lượng. Sau đó ổn định ở mức 4-5 triệu /lượng trong khoảng gần 10 năm. Vàng chỉ thực sự tăng giá sau năm 2001. Đặc biệt cơn sốt vàng năm 2012 khi đẩy giá vàng lên 48 triệu/ lượng. Những ai mua giá này đã phải chịu lỗ nặng bởi sau đó vàng giảm về 34 triệu và đứng rất lâu tại vùng giá này. Giá vàng hiện nay khoảng 70 triệu/lượng nếu quy đổi đúng theo giá thế giới. Còn mức 90 triệu là kỷ lục vô tiền khoáng hậu cho kim loại này.
CÁCH ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀNG
Từ sau những năm 2000, vàng được nhà nước quản lý và điều hành giá. Việc thành công nhất là chúng ta đã đẩy lùi nạn "vàng hóa" nền kinh tế cũng như trong đời sống xã hội. Việc luôn kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5% trong nhiều năm qua là điều kiện thuận lợi để giá vàng khá tương đồng với giá thế giới trong suốt thời gian trước. Vậy thực sự biến động vàng trong nước là từ nguyên do nào? Thứ nhất: từ giá thế giới. Thương hiệu vàng quốc gia SJC bản chất chỉ là gia công vàng nguyên liệu 9999, chứ VN không tự sản xuất hay khai thác được. Thứ hai: từ sự thao túng nhất định của một số thành phần "tay to". Việc tác động vào cung cầu của thị trường bằng lượng vốn lớn, lượng vàng lớn từ nhiều nguồn. Thứ ba: tâm lý xã hội coi vàng là của để dành, càng cao càng mua. Với 3 lý do này, giá vàng là một thứ rất khó kiểm soát.
Đã từng có nhiều thời kỳ Việt nam coi vàng là tiền tệ. NHNN đã từng huy động vàng, trả lãi y như một món tiền tiết kiệm. Họ cũng cho vay vàng với lãi suất nhất định. Tư duy coi vàng là tiền tệ chứ không phải hàng hóa đã có từ nhiều đời lãnh đạo trước của NHNN. Cho nên việc điều hành giá vàng đi theo hướng liên quan các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất cơ bản. Đúng là nếu sự chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước lên cao (hiện nay là trên 17 triệu, tương đương hơn 20%), thì sẽ có hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, căng thẳng tỷ giá. Nhưng thực sự ở bức tranh tổng quan vàng chỉ mang yếu tố tâm lý, khó đủ quy mô để làm lay chuyển nền kinh tế.
Điều tiết giá vàng là nhiệm vụ chính trị của hệ thống. Nhưng xa hơn phải thay đổi tư duy cốt lõi, coi vàng là hàng hóa, giáo dục cho người dân hiểu việc mua nắm giữ vàng giống như một loại hình đầu tư. Sẽ có lúc lời, có lúc lỗ, thậm chí lỗ nặng.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường