Cấp 'sổ đỏ' cho Condotel: Mới chỉ giải quyết tranh chấp, ai quản?
Các chuyên gia ủng hộ việc cấp giấy chứng nhận cho Condotel, Officetel. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới này chỉ giải quyết vấn đề tình huống tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, còn việc quản lý, vận hành và hành lang pháp lý đối với căn hộ này sẽ ra sao?, để tránh bùng nổ tranh chấp về sau.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”, trong đó đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch (Condotel, Officetel).
Đây là tin vui với những Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư về loại hình căn Condotel, Officetel… Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần có hành lang pháp lý và hướng dẫn chi tiết để đưa loại hình bất động sản mới này vào vận hành, tránh những hệ lụy, tranh chấp về sau.
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ông đồng tình với việc cấp giấy chứng nhận có thời hạn đối với căn hộ Condotel, Officetel vì đó là nhu cầu thực tế của xã hội cũng như là một giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với loại hình căn hộ mới này. Tuy nhiên, ông Lượng lo ngại việc quản lý Condotel, Officetel như thế nào để hiệu quả trong thu thuế, tránh tranh chấp trong quá trình vận hành.
Theo ông Lượng, việc cấp giấy chứng nhận mới chỉ giải quyết vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong thời gian qua. Còn khi được cấp giấy chứng nhận rồi thì việc quản lý, vận hành căn hộ này được thực hiện ra sao? Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, việc bảo hành, bảo trì đối với loại hình bất động sản mới này sẽ thực hiện như thế nào? Ai là người giải quyết vấn đề này? Cơ quan chức năng hay chủ đầu tư? Bởi nếu khi cấp giấy chứng nhận xong, trong trường hợp chủ đầu tư “bỏ rơi” khách hàng thì vấn đề tranh chấp sẽ tiếp tục bùng nổ.
"Việc cấp giấy chứng nhận với căn hộ Condotel, Officetel mới chỉ giải quyết tình huống, tuy nhiên cần có giải pháp căn cơ, khi cấp giấy chứng nhận rồi thì việc giải quyết các vấn đề và các mối quan hệ đối với loại hình bất động mới này như thế nào và hành lang pháp lý ra sao? Việc thừa nhận bất động sản mới nhập này cũng như việc chấp nhận loại hình vận tải Uber, Grap... Nhưng quản lý nó như thế nào mới là vấn đề?", Tiến sĩ Trần Xuân Lượng lo ngại.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Xuân Lượng, đối với các địa phương “xé rào”, tự sáng tác loại hình "đất ở không hình thành đơn vị ở" như Khánh Hòa, Đà Nẵng… trong thời gian qua thì cơ quan chức năng buộc phải điều chỉnh về đúng chức năng sử dụng đất thương mại, dịch vụ ban đầu theo đúng quy hoạch và Luật đất đai để có thể cấp giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện theo quy định.
Bổ sung pháp lý cho Condotel, Officetel
Tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đến nay Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã nảy sinh những tồn tại, bất cập.
Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chung về kinh doanh nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai nhưng chủ yếu là điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai mà chưa quy định đầy đủ đối với các loại bất động sản hình thành trong tương lai khác (như công trình thương mại, dịch vụ, du lịch,…)...
Do vậy, Luật Kinh doanh bất động sản cần được sửa đổi, bổ sung để đề cập đầy đủ hơn các hình thức, loại hình kinh doanh bất động sản (đặc biệt là các loại hình kinh doanh bất động sản mới được hình thành). Trong đó, dự thảo bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản là công trình căn hộ du lịch (Condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), biệt thự du lịch,…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận