Cao su thiên nhiên tránh được cao điểm dịch: “May hơn khôn”!
“Nửa đầu năm không phải là thời gian cao điểm sản xuất của doanh nghiệp cao su thiên nhiên. Hiện đang là mùa rụng lá nên các doanh nghiệp tập trung bảo dưỡng máy móc, thiết bị”, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) cho biết.
Cho đến đầu năm 2020, toàn hệ thống GVR còn 50.000 - 60.000 tấn cao su tồn kho, lượng hàng này đã được ký hợp đồng dài hạn tiêu thụ hết nên không đáng lo ngại.
Trong đó, lượng hàng ký hợp đồng bán cho các đối tác Trung Quốc là 8.000 tấn, với các nước khác hiện các đơn hàng vẫn được GVR giao bình thường.
Cũng theo vị lãnh đạo này, sản lượng khai thác chính của ngành cao su thiên nhiên sẽ rơi vào quý III, quý IV của năm, chiếm tới 70%.
Trong 3 tháng 4-5-6, các doanh nghiệp sẽ bắt tay vào sản xuất lại, nhưng sản lượng không đáng kể và có thể giãn cách ra dịp cuối năm.
Với riêng hoạt động của tập đoàn này, mảng sản xuất và tiêu thụ gỗ, chẳng hạn như mảng gỗ MDF có thể khó khăn hơn trước kia, giá cả cũng giảm so với trước, đơn hàng chậm do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm, đặc biệt là đối tác lớn là Nhà máy gỗ Khải Hoàn đang giảm mạnh lượng gỗ nhập vào.
Ngoài việc rơi vào mùa thấp điểm, diện tích trồng cây cao su ở nhiều nước thu hẹp cũng là lý do được nhìn nhận cho việc cao su thiên nhiên tăng giá.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch quốc tế cho thấy, giá cao su trên các thị trường Tokyo, thượng Hải ngày 5/3 đều tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cao su của cả nước trong 15 ngày đầu tháng 2/2020 đạt 42,69 nghìn tấn, trị giá 62,43 triệu USD, tăng 144,9% về lượng và tăng 139,3% về trị giá so với 15 ngày trước đó.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2, xuất khẩu cao su cả nước đạt 132,62 nghìn tấn, trị giá 193,54 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 1.459 USD/tấn, tăng 14,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình của cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019, xuất khẩu cao su cả nước thu về 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Ðộ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%. Giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong năm 2019 đạt 1.316 USD/tấn, tăng 5,8% so với năm trước.
Theo Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên (ITRC), sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự báo giảm 800 nghìn tấn trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi bệnh nấm, cùng với sức ép tăng thu nhập cho người trồng cao su khi Thái Lan (chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu) vừa phê chuẩn kế hoạch 20 năm phát triển ngành cao su, theo đó giảm diện tích trồng cao su tới 21% trên cả nước và tăng giá trị xuất khẩu cao su gấp 3 lần.
Với GVR, bên cạnh việc tránh được mùa cao điểm sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát, tập đoàn này được nhận định sẽ có lợi khi Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công. Năm 2019, GVR đã hưởng khoản thu nhập bất thường 434 tỷ đồng từ khoản tiền đền bù đất cho dự án Sân bay Long Thành.
GVR sẽ tiếp tục bàn giao 2.100 ha đất cho địa phương để thực hiện dự án này tới tháng 10/2020. Giá đền bù khoảng 0,6 tỷ đồng/ha, khoản đền bù này ước được hạch toán vào lợi nhuận của Tập đoàn với giá trị khoảng 1.260 tỷ đồng.
Trong quý IV/2019 và quý I/2020, hàng loạt thành viên lớn của GVR dự kiến chốt quyền chia cổ tức tiền mặt như DPR tạm ứng 50%, NTC tạm ứng 50%, PHR tạm ứng 30%... Ðây sẽ là nguồn tiền dồi dào để GVR củng cố nội lực, tận dụng được cơ hội từ biến động lớn trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận