Cẩn trọng rủi ro lạm phát cuối năm
Kinhtedothi- Diễn biến khó lường của tình hình thế giới cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế sẽ tác động tới lạm phát.
Quy luật cuối năm giá cả tăng cao
Trong tháng 9, giá lương thực, thực phẩm tăng cao, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đồng USD có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng gây áp lực lên lạm phát. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá.
"Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý" - bà Oanh cho biết thêm.
Điều hành giá các loại dịch vụ phù hợp, linh hoạt chính sách tiền tệ
Năm 2024, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu kiểm soát được đặt ra ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, mục tiêu tăng trưởng phải đạt ở ngưỡng trên (6-6,5%), còn lạm phát thì quyết tâm đạt ở ngưỡng thấp (4-4,5%).
CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 3,88%, dư địa để đạt được mức lạm phát cả năm nay theo mục tiêu Quốc hội đề ra vẫn còn. Tuy nhiên, nếu chỉ số tiêu dùng những tháng cuối năm liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025.
Xu hướng cuối năm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo đó sẽ tác động đến lạm phát ở những khía cạnh như tiêu dùng, chi tiêu, đầu tư,... Tỷ giá VND/USD tăng từ đầu tháng 10 và có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Chính sách hiện tại của NHNN vẫn đang cố gắng duy trì nền lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ đó, tỷ giá USD/VND có thể sẽ vẫn neo cao. Bộ đôi lãi suất thấp và tỷ giá USDVND cao đều có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng lạm phát"- khối phân tích ACBS nhận định.
Trong khi nhập khẩu tăng cao được xem là cơ sở sẵn sàng cho xuất khẩu trong quý tới đây, khi các thị trường lớn hồi phục nhu cầu và DN đã cạn hàng tồn kho, nhiều chuyên gia cũng có quan điểm khác nhau về khả năng nhập khẩu có chuyển thành nhập siêu kéo dài hơn trong thời gian tới, hay mang tính mùa vụ ngắn hạn, qua đó có tác động nhất định ngắn - dài đến tỷ giá. Điều này sẽ là ẩn số đối với tỷ giá và trong tính toán cán cân thanh toán tổng thể.
Cùng với đó, khi lãi suất khó có kỳ vọng tăng nhằm đảo bảo tiếp tục hỗ trợ phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế, rủi ro của lạm phát sẽ càng có áp lực cao hơn trong thời gian tới do giá lương thực, xăng dầu, điện và tiền lương tăng. Việc kiểm soát giá các mặt hàng trực tiếp trong rổ tính CPI hay có tác động đến nhiều nhóm hàng tính CPI có thể cũng sẽ là vấn đề trong thời gian tới.
Đó là lý do, Bộ KH&ĐT, trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội kể từ cuối năm 2023, đều cảnh báo về áp lực điều hành giá cả thị trường, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước cũng nhấn mạnh điều này. “Áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, DN…”- đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo CPI năm nay tăng 4,2% - 4,5% với với năm ngoái. Nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện nửa cuối năm với mức điều chỉnh không quá lớn, ông Long tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% như Quốc hội đề ra là khả thi. Ông Long nhấn mạnh Chính phủ thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Một số yếu tố như việc điều chỉnh giá dịch vụ, giá điện cũng có thể làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Cuối năm cũng là thời điểm lễ tết do đó nếu hàng hóa không được chuẩn bị tốt có thể gây sức ép lên giá cả. Việc kiểm soát nguồn cung tiền một cách hợp lý từ các gói hỗ trợ, mở rộng tín dụng và đẩy mạnh đầu tư cũng cần được quan tâm để tránh gây áp lực lên việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. (Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê Nguyễn Thu Oanh)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường