24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Duy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần giải pháp đồng bộ cho thị trường vàng

Một trong những nỗ lực mà các nhà làm chính sách đang áp dụng để bình ổn thị trường vàng là đấu thầu vàng miếng SJC. Thế nhưng, cứ sau mỗi phiên đấu thầu vàng thành công, giá vàng miếng lại tăng điên cuồng.

Giá vàng miếng SJC tăng vọt lên 92.4 triệu đồng/lượng sau đó giảm dần dưới áp lực chốt lời.

Cần giải pháp đồng bộ cho thị trường vàng

Nguồn: Giavangvietnam

Hai tháng qua, giá vàng trong nước tăng liên tục và gây sự chú ý vì vàng không còn là kênh trú ẩn, tích trữ nữa mà dường như đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi giá vàng miếng SJC tăng theo giờ và liên tục lập kỷ lục.

Giá vàng trong nước thường diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới và giá vàng thế giới tăng trong thời gian qua kéo giá vàng trong nước tăng cũng là điều dễ hiểu. Giá vàng thế giới tăng do được sự hỗ trợ từ các yếu tố căng thẳng địa chính trị, chiến tranh và ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vàng.

Vấn đề ở đây là giá vàng trong nước đang chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới. Nếu tính theo giá mở cửa phiên 15/05, giá mua bán vàng miếng SJC được niêm yết là 89 - 86 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán, quy đổi theo tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank cùng ngày là 25,482 đồng/USD ở chiều bán ra thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới (2,355 USD/oz) hơn 16 triệu đồng/lượng. Thậm chí trước đó, khi giá vàng trong nước ở đỉnh 92.4 triệu đồng/lượng đã cao hơn giá thế giới đến 19 triệu đồng/lượng.

Có một thực tế rằng, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới quá nhiều, trong khi lượng vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trong nước khan hiếm, sẽ kích thích nhiều doanh nghiệp tìm đến nguồn vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí cả vàng nhập lậu. Để nhập lậu thì cần có USD (thường thu mua ở thị trường tự do), góp phần ảnh hưởng lên tỷ giá.

Với mục tiêu kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng sau 10 năm ngừng đấu để tăng lượng cung ra thị trường. Sau 6 phiên đấu thầu, chỉ có 3 phiên (23/04 và 08/05 và 14/05) thành công, với tổng khối lượng 14,900/100,800 lượng vàng được bán ra, tương đương tỷ lệ gần 15%.

Thế nhưng, dường như các phiên đấu thầu chưa dẫn đến mục tiêu mong đợi mà thậm chí còn đi ngược kỳ vọng khi cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng dựng đứng. Giá vàng vào ngày mở phiên đấu thầu đầu tiên (22/04) là 80.3 - 82.8 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán. Sau phiên đấu thầu (08/05), giá vàng tính đến ngày 11/05 đã tăng hơn 9 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều mua - bán. Dưới áp lực chốt lời của nhà đầu tư, giá vàng trong nước bắt đầu đảo chiều giảm nhẹ.

Vì sao cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng? Điều này có thể do kỳ vọng giá vàng sẽ tăng tiếp khi nguồn cung vàng không tăng sau mỗi phiên đấu thầu thất bại. Tổng 14,900 lượng vàng đấu thành công chưa thực sự giải tỏa được nhu cầu vàng trong dân, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không hấp dẫn như lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở đáy, thị trường bất động sản đóng băng chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, thị trường chứng khoán lình xình..

Giá vàng tăng từng giờ theo nhu cầu của thị trường. Tại các tiệm vàng những ngày qua, cảnh xếp hàng chờ mua bán vàng đã không còn xa lạ. Nhằm giảm thiểu lượng giao dịch quá lớn, một số tiệm vàng đã ra thông báo hạn chế 1 người chỉ được mua 5 chỉ vàng/ngày. Thậm chí đến khi giá vàng vượt 92 triệu đồng/lượng, nhu cầu giao dịch vàng càng tăng đột biến, khiến các tiệm vàng không đủ nguồn cung, phải gửi giấy hẹn cho người muốn giao dịch.

Giải pháp được đề xuất là nhanh chóng cho phép nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, điều này lại đối mặt thách thức liên quan đến sức ép tỷ giá, trong khi chỉ đạo của Chính phủ là bình ổn thị trường vàng nhưng không được gây áp lực lên tỷ giá. Do vậy, chỉ khi nào tỷ giá hạ nhiệt, NHNN sẽ cho nhập khẩu vàng. Thế nhưng, dù nhập khẩu vàng được hay không, đó vẫn là cách làm truyền thống.

Để ổn định thị trường vàng trong dài hạn, cần có giải pháp đồng bộ hơn. Gần đây, NHNN cũng tăng cường quản lý thị trường, thanh tra hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng nhằm góp phần ngăn chặn hành vi nhập lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Trước đây, các ngân hàng thương mại đã từng phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng từ dân cư, nhưng cũng để lại không ít hệ quả, rủi ro cho hệ thống về thanh khoản khi giá vàng biến động mạnh. Do đó, để tránh rủi ro này, trước mắt chỉ nên để NHNN là chủ thể duy nhất được phát hành chứng chỉ vàng.

Giải pháp mang tính dài hạn cho thị trường vàng là tạo ra sản phẩm đầu tư có thể thay thế vàng vật chất. Người dân thay vì sở hữu và nắm giữ vàng miếng, có thể chuyển sang nắm giữ chứng chỉ vàng và NHNN là bên duy nhất bán chứng chỉ vàng đó cũng như được nắm giữ vàng. Hình thức này gần giống như chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng. Khi người dân sở hữu chứng chỉ vàng muốn giao dịch thì phải thực hiện với NHNN. Rõ ràng, khi có thêm lựa chọn mà không cần nắm giữ vàng trực tiếp thì sức hấp dẫn của vàng vật chất sẽ giảm xuống. Lúc đó, NHNN sẽ kiểm soát được lượng cung vàng mà không cần bán vàng ra, vì vàng vẫn nằm ở kho dự trữ của NHNN. NHNN có thể cân đối được lượng vàng và USD trong kho dự trữ. Nhờ đó, hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế sẽ giảm đi.

Song song với việc phát hành chứng chỉ vàng, cần xây dựng hệ thống để các nhà đầu tư có thể giao dịch, mua bán các chứng chỉ này thông qua hệ thống sàn giao dịch vàng.

Nếu người dân không được nắm giữ vàng miếng, nghĩa là vàng chỉ có thể gửi ở NHNN, việc mua bán vàng miếng ngoài thị trường sẽ không còn. Đưa vàng ra khỏi lưu thông sẽ chống được vàng hóa nền kinh tế.

Ngay khi giá vàng tăng dồn dập, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 213/TB-VPCP ngày 10/5/2024 về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Chính phủ yêu cầu NHNN phải khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện thị trường vàng thời gian qua, triển khai các giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn để bình ổn ngay thị trường vàng.

Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng; hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng; các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần, hoàn thành chậm nhất trong quý 2/2024.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2712.55 +42.89 (+1.61%)
PTKT
87,000 N 0.00 (0.00%)
2,715.85 +46.75 (+1.75%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả