Campuchia thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh, xây dựng hệ sinh thái xanh
Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý Giao dịch chứng khoán Campuchia (SERC) hối thúc lĩnh vực tư nhân cân nhắc việc phát hành trái phiếu xanh để xây dựng môi trường kinh doanh xanh và cộng đồng đầu tư xanh tại Vương quốc.
Phát biểu trên trang Phnom Penh Post gần đây, Tổng giám đốc Sou Socheat của SERC cho biết những năm gần đây, SERC làm việc cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về dự án xây dựng môi trường kinh doanh xanh và cộng đồng đầu tư xanh tại Vương quốc. Song song đó, họ cũng đánh giá những công ty đủ điều kiện và năng lực phát hành trái phiếu xanh.
Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích các công ty tư nhân phát hành trái phiếu xanh. Điều đó không có nghĩa là theo quy định họ chỉ được phát hành trái phiếu xanh mà họ thể phát hành bất cứ loại trái phiếu nào. Tuy nhiên, khi phát hành trái phiếu xanh, họ được hưởng nhiều ưu đãi hơn”.
Nguồn vốn huy động được từ việc phát hành trái phiếu xanh phải được sử dụng cho các doanh nghiệp hoặc các dự án đầu tư không tác động nhiều đến môi trường.
Ông Socheat nói: “Chẳng hạn, nguồn vốn đó có thể được dùng để đầu tư vào năng lượng sạch không gây hại môi trường. Việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia và nguồn vốn này sẽ được sử dụng theo kế hoạch đã đề ra”.
Tổng giám đốc SERC bày tỏ kỳ vọng ADB sẽ mở rộng phạm vi chuyên môn của ngân hàng này trong việc hỗ trợ các công ty dự định phát hành trái phiếu xanh. Nhờ đó, họ có thể tiết kiệm được chi phí đồng thời đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hợp lý.
Theo ông Socheat, hiện đã có một số công ty bày tỏ sự quan tâm đến việc phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, vẫn có chưa có công ty nào nộp hồ sơ chính thức. SERC đang chủ động khuyến khích các công ty và các bên liên quan .
Trong tháng 5/2022, SERC và ADB đã đồng tổ chức phiên họp trực tuyến về “Quá trình và cơ hội phát hành trái phiếu bền vững cho Campuchia”. Phiên họp này nhằm nâng cao nhận thức về tài chính ổn định của những đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó họ cũng thảo luận về việc làm thế nào để những trái phiếu này có thể trở thành một phần không thể tách rời của các chiến lược tài chính.
Ngoài ra, phiên họp còn giúp người tham gia hiểu được vai trò của các đối tác phát triển như ADB, Quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (CGIF) trong việc hỗ trợ phát hành trái phiếu bền vững tại Campuchia.
Trong phần phát biểu của mình, Tổng giám đốc SERC đề nghị các công ty bảo lãnh chứng khoán và các công ty tư vấn tài chính hãy hợp tác chặt chẽ với SERC và ADB để xúc tiến thị trường trái phiếu xanh tại Campuchia.
Nhóm các chuyên gia của ADB đã lưu ý đến xu hướng phát triển rất nhanh của thị trường vốn Campuchia trong những năm gần đây.
Họ cho rằng xu hướng phát triển đó đã đặt ra cho những người tham gia thị trường và các cơ quan quản lý một câu hỏi quan trọng đó là họ có thể khai thác sức mạnh của thị trường như thế nào để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội.
Một cách để thực hiện điều đó là thông qua các công cụ tài chính có cân nhắc đến các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) - chẳng hạn như trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS).
Nhóm chuyên gia của ADB trình bày: “Số tiền thu được từ việc phát hành chứng khoán nợ sáng tạo này được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án mang lại kết quả tích cực về môi trường hoặc xã hội”.
Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng thách thức chính để thực hiện điều này là thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Campuchia vẫn còn ở giai đoạn non trẻ, dù đã đạt được những tiến bộ gần đây.
“Để huy động vốn tư nhân cho các khoản đầu tư bền vững, điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề này và tiếp tục phát triển năng lực tổng thể của thị trường”.
“Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách có thể hành động để đảm bảo thị trường phát triển đúng theo hướng hỗ trợ các dự án đầu tư về môi trường, xã hội và quản trị”.
Với tư cách là Chủ tịch của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN, SERC cũng cần đảm bảo rằng sự phát triển thị trường trái phiếu GSS trong nước phù hợp với các sáng kiến khu vực.
Các chuyên gia của ADB nói thêm: “Với các chính sách đúng đắn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bên liên quan và các đối tác phát triển, các cơ quan quản lý và người tham gia thị trường có thể sử dụng thị trường vốn để đạt được các kết quả tích cực về môi trường và xã hội, ngay cả đối với những người Campuchia không tham gia trực tiếp vào thị trường”.
Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia có 14 doanh nghiệp niêm yết. Trong số đó, có 9 doanh nghiệp chào bán cổ phiếu trên sàn chính và chứng khoán dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (sàn Growth Board); 5 công ty phát hành trái phiếu. Tổng vốn huy động của cả 14 doanh nghiệp là khoảng 281 triệu USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận