Cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội: Sống thấp thỏm ở các khu tập thể “chờ” sập
Những bức tường nứt toác, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng, phần lan can bong tróc,... đó là tình trạng của một số khu tập thể cũ ở Hà Nội. Nhưng hiện nay, việc cải tạo, sữa chữa chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm. Theo đánh giá của thành phố Hà Nội, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
Cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội: Vẫn giậm chân tại chỗ
Hiện nay nhiều khu chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đã ở cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp), tuy nhiên tốc độ thực hiện cải tạo, sửa chữa các dự án này vẫn còn rất chậm, sau 10 năm, mới có 2% số lượng nhà chung cư cũ được cải tạo, xây dựng. Các chuyên gia lý giải nhiều nguyên nhân, theo đó kiến nghị cần cho Hà Nội cơ chế đặc thù thì mới đẩy nhanh được tốc độ cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Theo ghi nhận của PV, tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã ngày càng xuống cấp nghiêm trọng sau khi bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà từ 10 năm trước. Hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng.
Bà L.T.H. - một hộ sinh sống tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, cuối tháng 3.2011, ngôi nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng “bỗng dưng” sụp xuống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân sống liền kề. Sự cố này gây ảnh hưởng nặng nhất là các hộ dân sống trong chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tại thời điểm đó, chính quyền đã huy động di dời các hộ dân đi, di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo ổn định hơn.
Theo bà H., tòa nhà 51 trước đó có 19 hộ dân. Đã có 15 hộ đã di dời đến khu nhà ở tái định cư ở Đại Kim, hiện chỉ còn có 4 hộ sinh sống tại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự cố vẫn chưa được khắc phục, người dân đã di dời vẫn chưa biết ngày nào được trở về.
Còn tại đơn nguyên 1 - nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), khu nhà chung cư này đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, xập xệ. Phía bên trong khu chung cư tường sơn bong tróc, nhiều nơi rêu bụi bám đầy, màu sơn vàng cam đã ngả ố sang màu nâu đen. Khu đơn nguyên 1A này hiện có khoảng 26 hộ gia đình sinh sống. Hiện nay còn lại gần 10 hộ chưa thực hiện việc di dời khỏi công trình nguy hiểm cấp độ D này.
Ông Trí đang sống tại tầng 3 (80 tuổi) cho biết, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần thông báo về mức độ xuống cấp của chung cư này và vận động nhân dân đi tạm cư. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu, khi nào có thể quay trở lại khu nhà ở đã theo mình trong suốt hơn 30 năm qua”.
1.579 chung cư cũ phần lớn xuống cấp, hư hỏng
Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ; trong đó phần lớn xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có một số khu nhà thuộc diện chỉ đạo phải di dời khẩn cấp vì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của người dân.
Trao đổi với Lao Động, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, thành phố mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng phân tích những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất là những bất cập trong các văn bản thể chế. Trong Luật Nhà ở, Điều 86 - 87, cải tạo nhà chung cư là trách nhiệm của chủ sở hữu. Vậy sau khi Nhà nước bán nhà cho người dân thì chủ sở hữu phải là người dân, chứ chưa nêu rõ vai trò của Nhà nước ở đây...
Theo ông Nghiêm, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng hầu như các chủ đầu tư lại yêu cầu phương án xây cao tầng, bởi như vậy mới có lãi. Thứ hai là việc đền bù giải phóng mặt bằng và việc tái định cư tại chỗ. Một khó khăn khác từ chủ đầu tư là việc đàm phán với người dân. Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.
Vướng mắc về cơ chế, chính sách
Mới đây, Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP và tại khu chung cư cũ Giảng Võ. UBND TP.Hà Nội nhìn nhận, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
Do đó, UBND TP giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.
Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn TP, tập thể lãnh đạo UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp các hồ sơ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch một số khu chung cư cũ do một số doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành, để tham khảo và tổng hợp cùng Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ hoàn thiện (sau khi có ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng), báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn TP giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận