Cách ông chủ Louis Vuitton xây dựng đế chế tăng trưởng bất chấp suy thoái
Bằng cách nào mà đế chế hàng hiệu LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) duy trì đà tăng trưởng dù nền kinh tế nhiều lần suy thoái. Đây cũng là tập đoàn châu Âu đầu tiên chạm tới cột mốc vốn hóa 500 tỷ USD và sở hữu 75 thương hiệu “sang chảnh” từ 6 lĩnh vực khác nhau.
Năm 2022, đế chế thời trang LVMH đã ghi nhận doanh thu 79.2 tỷ Euro (tương đương 86.3 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ. Số cửa hàng cũng tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, với mạng lưới trải dài tới 81 quốc gia. Đến nay, LVMH có hơn 196,000 người lao động.
Với nền tảng tăng trưởng không ngừng nghỉ, cổ phiếu LVMH lập kỷ lục mới ở mức 200 USD/cổ phiếu. Nhờ đó, đế chế hàng hiệu này cũng trở thành công ty châu Âu đầu tiên có giá trị thị trường vượt qua 500 tỷ USD.
Một số chuyên gia từ lâu cho rằng LVMH dường như có lá chắn bảo vệ trước suy thoái. Thật vậy, Tập đoàn vẫn đứng vững qua các giai đoạn kinh tế suy thoái và tự hào với các sản phẩm độc đáo và có khả năng tăng giá theo thời gian.
Chỉ chọn những thương hiệu có khả năng tồn tại 100 năm
Lãnh đạo đế chế khổng lồ này là CEO Bernard Arnault – người đàn ông giàu nhất thế giới tại thời điểm này.
Một số chuyên gia cho rằng thế mạnh của ông Arnault nằm ở việc nhìn ra các công ty chất lượng và trường tồn với thời gian. Thương vụ gần nhất của ông là mua lại Tiffany & Co. vào năm 2021 với giá 15.8 tỷ USD trong năm 2021.
"Khi nói về những thương vụ sáp nhập tiềm năng, ông Arnault chưa bao giờ chọn những thương hiệu đang gây sốt trên thị trường. Ông ấy thường tìm kiếm những thương hiệu có khả năng tồn tại 100 năm", bà Anish Melwani - Giám đốc Điều hành LVMH khu vực Bắc Mỹ - cho biết.
Thông qua ông Arnault, LVMH luôn tham gia vào “cuộc chơi dài hạn”, Oliver Chen, Giám đốc điều hành tại TD Cowen, cho hay. Điều này giúp các thương hiệu của LVMH giữ được trạng thái sự toàn vẹn, thu hút sự chú ý của những fan thời trang trên thế giới và không lỗi thời.
Các công ty con, dù nằm dưới sự kiểm soát của LVMH, đều được tự quản về các thương hiệu và có quyền sáng tạo. LVMH trao quyền cho các giám đốc điều hành ở mỗi công ty.
"Ở LVMH, chúng tôi nhận ra rằng việc tập hợp các thương hiệu lại với nhau dưới sự kiểm soát của một người là không hiệu quả. Do đó, mỗi thương hiệu đều sẽ có người phụ trách riêng và những gì họ cần làm là báo cáo kết quả tốt nhất có thể", bà Melwani cho biết.
Chiến lược này đã mang lại kết quả tốt đẹp cho đế chế hàng hiệu này. LVMH rất mạnh trong việc cung cấp các sản phẩm được xây dựng dựa trên di sản của thương hiệu, kết hợp với các xu hướng và văn hóa hiện tại. LVMH luôn hợp tác với những người nổi tiếng, biểu tượng thời trang và những người có ảnh hưởng (KOL) để thu hút các fan hàng hiệu trên thế giới.
Melwani cho biết sau đại dịch Covid-19, LVMH đang tập trung hơn vào việc mở rộng các cửa hàng truyền thống - điều cần thiết để duy trì sự tăng trưởng phi thường từ các kênh thương mại điện tử của tập đoàn.
Ngoài ra, "duy trì sự phù hợp" và "bắt kịp văn hóa" cũng là 2 chiếc chìa khóa giúp kéo dài tuổi thọ các mặt hàng xa xỉ của tập đoàn này, là chiến lược cốt lõi của LVMH trong việc xây dựng một thương hiệu không những trường tồn mà còn vượt trội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận