Các thương hiệu lớn ‘săn’ mặt bằng, thị trường dần sôi động
Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn vẫn âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, thể thao… đến Việt Nam, chọn lựa mặt bằng và sắp khai trương, nhất là khi các chuyến bay quốc tế được khai thác lại.
Ngày 9-3, bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM - cho biết thời gian qua, nhiều thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước liên tục cho ra mắt điểm bán mới với quy mô lớn lên đến hàng nghìn mét vuông tại TP.HCM, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Theo bà Quyên, các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, phụ kiện và đồ chuyên dụng thể thao ngoài trời… về Việt Nam trong năm 2022, hứa hẹn phục hồi và vực dậy sức sống của thị trường.
"Nhiều thương hiệu quốc tế quan tâm Việt Nam từ những năm 2019 nhưng kế hoạch bị trì hoãn do ảnh hưởng từ COVID-19 bao gồm nhóm mỹ phẩm, phụ kiện, siêu thị… Tuy nhiên, những thương hiệu này đang tái khởi động kế hoạch ra mắt sau khi các chuyến bay quốc tế được khai thác lại tại Việt Nam", bà Quyên nói.
Đánh giá về tác động của xu hướng này đến thị trường bất động sản thương mại tại TP.HCM, bà Quyên cho rằng nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu vẫn đang âm thầm diễn ra, kéo theo thị trường thuê bất động sản thương mại dần sôi động hơn.
Hiện các mặt bằng tại quận trung tâm hoặc các trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng vẫn đang khan hiếm do có nhiều lợi thế về quy mô, uy tín của chủ đầu tư và có một lượng khách hàng trung thành ổn định.
Báo cáo mới công bố của Savills châu Á Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ đánh giá mặc dù tỉ lệ tiêm vắc xin ngày càng tăng ở nhiều quốc gia nhưng tốc độ phục hồi của các thị trường lại không nhất quán.
Savills nhận định Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các thành phố lớn phục hồi nhanh nhất. Trong khi các thị trường lớn như Singapore, Hong Kong, Seoul, Tokyo vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 với mức từ âm 16 đến âm 28% thì các TP như như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê khoảng 0,5-13%.
Theo đại diện bộ phận thuê mặt bằng của một chuỗi bán lẻ ở TP.HCM, hiện ở TP có nhiều lựa chọn mặt bằng cho doanh nghiệp lựa chọn, mức giá giảm 10-15% so với trước dịch, song với các mặt bằng có diện tích tương đối lớn, vị trí đẹp và giá thuê phù hợp thời điểm này không dễ để "chốt đơn".
"Nếu có mặt bằng nào ở vị trí đẹp và diện tích phù hợp cho các chuỗi lớn thì các doanh nghiệp có cùng một nhu cầu trong phân khúc này luôn 'giành' nhau để sở hữu được các mặt bằng này. Nhìn chung nguồn cung mặt bằng hiện đang dồi dào song tùy từng phân khúc, không phải phân khúc nào cũng dễ kiếm được nơi ưng ý", vị này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh Retail - cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại thời điểm thị trường chưa phục hồi đồng đều, các chủ đầu tư có thể gia hạn thời gian thanh toán để giúp doanh nghiệp có thời gian "thở" về tài chính hoặc có thể chuyển đổi sang hình thức chia sẻ doanh thu như các quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
Theo ông Bình, đối với hình thức chia sẻ doanh thu, các khách thuê sẽ chia sẻ 10-25% doanh thu tùy theo mặt hàng kinh doanh với chủ đầu tư thay vì trả 100% tiền thuê. Hiện tại TP.HCM có một số trung tâm thương mại áp dụng hình thức này, song ông Bình cho hay phần lớn các trung tâm vẫn không mặn mà chia sẻ doanh thu bởi chủ đầu tư phải có kinh nghiệm, có hệ thống quản lý và khách thuê cũng phải minh bạch doanh thu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận