C.P Việt Nam đặt mục tiêu đại chúng hóa và niêm yết tại HoSE
C.P Việt Nam hiện có doanh thu hơn 3,5 tỷ USD và là doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất trên thị trường nông nghiệp Việt Nam.
Trong thông báo lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của CPP cho biết trong cuộc họp Hội đồng quản trị được tổ chức vào ngày 22/4, HĐQT đã chấp thuận cho công ty C.P. Việt Nam được đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông thiểu số. Khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan với việc hoàn tất phát hành cổ phiếu, CPV sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Đây là thông tin rất đáng chú ý vì quy mô to lớn của doanh nghiệp này, thêm nữa lại còn là một công ty FDI.
Trên sàn chứng khoán, hai doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khá tương đồng với C.P. Việt Nam là Dabaco và Masan MEATLife có vốn hoá lần lượt 7.213 tỷ đồng và 24.589 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh thu của C.P. Việt Nam đạt hơn 111 tỷ Bath (tương đương khoảng 3,6 tỷ USD), tăng 3% so với năm 2020. C.P. Việt Nam nằm trong số những doanh nghiệp lãi tốt nhất Việt Nam, thuộc hàng ngũ tỷ đô chỉ đếm trên đầu ngón tay.
C.P. thống trị mảng chăn nuôi Việt Nam, cụ thể với thịt heo và thịt gà. Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty này đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo và thức ăn gia cầm).
Đầu tháng 10/2021, CP Pokphand (CPP), công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của C.P. Việt Nam có kế hoạch tư nhân hoá và huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX).
Trong thông báo trước đó lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của CPP cho biết: "Việc huỷ niêm yết sẽ cho phép CPP đưa ra các quyết định chiến lược tập trung vào tăng trưởng và lợi ích dài hạn, không bị áp lực bởi kỳ vọng thị trường và giá cổ phiếu phát sinh từ việc là một công ty đại chúng".
Kế hoạch này cũng được cho là sẽ giảm bớt chi phí quản lý liên quan đến việc duy trì trạng thái niêm yết của CPP và tuân thủ các quy định niêm yết, do đó cho phép CPP có sự linh hoạt trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của mình cũng như các công ty con.
Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng không xuất hiện nhiều trên sàn chứng khoán. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 11 doanh nghiệp FDI chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và niêm yết. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 công ty FDI đang giao dịch trên sàn chứng khoán, 3 công ty đã huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (2 trong số đó đang đăng ký giao dịch trên UPCoM). So sánh trên thị trường, vốn hoá doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 0,3%).
Với quy mô của mình, C.P. Việt Nam có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các công ty FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Đó là còn chưa kể sự kiện này có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các công ty FDI khác muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, một số đã mắc kẹt nhiều năm.
Ngoài C.P. Việt Nam, một FDI lớn là Aeon Việt Nam cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong tương lai.
Quay trở lại với C.P. Việt Nam, cuối năm ngoái, công ty này đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn PAN, qua đó đầu tư 25% cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) – một doanh nghiệp tôm lớn của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN : "C.P. Việt Nam nổi tiếng về mảng con giống và thức ăn cho tôm, trong khi Fimex rất thành công về nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Việc C.P. Việt Nam đầu tư cùng với PAN không chỉ đơn thuần là phân chia lợi nhuận từ Fimex, mà cái họ muốn là kết hợp với PAN mở rộng Fimex".
Tôm là một trong những ngành tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, đạt hai chữ số hàng năm. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Phía C.P. Việt Nam từng tuyên bố đầu tư mạnh tay vào mảng tôm kể từ năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận