24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bù lãi suất cho hàng không có khả thi?

Là một ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc hỗ trợ các hãng hàng không là việc cần thiết và cấp bách.

Hàng không không chỉ là mạch máu giao thông hội nhập toàn cầu, là động lực của nền kinh tế mà còn đem lại nguồn thu ngân sách quan trọng của mỗi quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ kích thích tăng trưởng 1% GDP.

TS Bùi Doãn Nề - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện đề xuất các gói hỗ trợ của một số hãng hàng không thời gian gần đây.

Ông Nề nói:

- Là một ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc hỗ trợ các hãng hàng không là việc cần thiết và cấp bách. Vấn đề là phải hỗ trợ như thế nào để bảo đảm công bằng, mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước, cho xã hội và cho nền kinh tế.

* Các hãng hàng không đều đề xuất được vay vốn ưu đãi với con số khá lớn với lý do đang gặp khó khăn. Theo ông, đề xuất này liệu có hợp lý khi nhiều ngành, lĩnh vực cũng rơi vào tình trạng tương tự do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?

- Không riêng gì các hãng hàng không VN, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều thua lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thậm chí nhiều hãng hàng không các nước phải tuyên bố phá sản và chính phủ các nước đều có chính sách hỗ trợ ngành hàng không.

Dịch vụ hàng không đòi hỏi vốn đầu tư cực lớn, chi phí vận hành rất cao, biên lợi nhuận thấp và chậm thu hồi vốn.

Chẳng hạn trong năm 2019, chi phí bình quân của VNA lên tới 268 tỉ đồng/ngày và Vietjet là 128 tỉ đồng/ngày.

Trong khi đó nguồn thu chính của các hãng hàng không từ những đường bay quốc tế đã không còn từ đầu năm nay do đại dịch COVID-19, còn bay nội địa có doanh thu thấp, chi phí cao do phòng chống dịch.

Niềm hi vọng cuối cùng là bay dịp hè, nhưng thời gian nghỉ hè năm nay bị rút ngắn cùng với việc Đà Nẵng và một số địa phương khác bùng phát dịch trở lại đã đẩy các hãng bay lâm vào tình trạng khó khăn hơn, nguồn thu và dòng tiền suy kiệt nhanh chóng.

Dòng tiền, vốn lưu động là máu nuôi sống các hãng bay trong khi không thể tiếp tục giật gấu vá vai mãi, buộc các hãng hàng không phải "khẩn cầu" được vay 25.000 - 27.000 tỉ đồng (tương đương tổng chi phí bình quân trong 70 ngày của VNA và Vietjet) với lãi suất 0% trong 3 năm để duy trì sự sống.

* Doanh nghiệp kinh doanh phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu, vì sao các hãng hàng không lại "đòi" ngân sách phải bù lãi suất, thưa ông?

- Trong năm 2019, chỉ riêng VNA và Vietjet đã nộp ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng thuế phí các loại.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế hiện nay, dịch vụ vận tải được xếp ưu tiên số 1 cần hỗ trợ, trong đó hàng không đứng đầu danh sách, nhằm góp phần phục hồi nền kinh tế.

Cứu hàng không là để góp phần giải cứu nền kinh tế, giải quyết việc làm. Mỗi lao động hàng không trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 15 lao động khác, trong đó hơn 30.000 lao động của VNA và Vietjet đã tạo việc làm cho 450.000 lao động.

Chưa kể hàng không và du lịch như "môi với răng", một khi hàng không gặp khó, khoảng 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch, với doanh thu 30 - 35 tỉ USD/năm cũng bị vạ lây.

* Nhưng việc cấp bù lãi suất như các hãng bay đề xuất liệu có khả thi và hiệu quả không?

- Trong năm 2009, Chính phủ đã dành 1 tỉ USD để hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong 2 năm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đại dịch COVID-19 gây thiệt hại toàn thế giới gấp nhiều lần, nên chúng ta cần hành động tương tự và mạnh mẽ hơn. Với ngân sách hạn hẹp cũng nên tính toán cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lớn, có vai trò quan trọng với nền kinh tế.

Theo tôi, việc cấp bù lãi suất như đề xuất của các hãng này là giải pháp khả thi, ít tốn kém và hiệu quả.

Với lãi suất dài hạn hiện vào khoảng 10%/năm, các ngân hàng thương mại hỗ trợ 2% và Chính phủ bù 8% còn lại, mỗi năm ngân sách chỉ phải chi 2.000 tỉ đồng, 3 năm là 6.000 tỉ đồng. Nếu ngân sách vẫn khó khăn, Chính phủ hỗ trợ 6%, các hãng hàng không chịu 2% sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

* Hãng Vietjet vừa báo cáo có lãi trong 6 tháng đầu năm, vì sao doanh nghiệp này vẫn đề nghị được hỗ trợ?

- Thực ra lãi ở đây là lãi gộp tất cả các lĩnh vực kinh doanh của hãng này, trong khi lĩnh vực chính là vận chuyển hàng không vẫn bị lỗ 2.100 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, việc có lãi là nhờ chuyển nhượng tài sản và khoản đầu tư tài chính đã tích lũy trong nhiều năm, chưa kể hãng này cũng kéo giảm đến 55% tổng chi phí mới có thể bù lỗ cho hoạt động hàng không.

Do đó nếu cho rằng doanh nghiệp này đang có lãi, không cần được hỗ trợ là chưa chính xác. Cũng xin nói thêm là ngoài chuyện cấp bù lãi suất, các hãng hàng không rất cần được hỗ trợ trong việc giảm các loại phí dịch vụ mặt đất, phí hàng không, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế bảo vệ môi trường, không để ùn tắc do hạ tầng và quản lý bay ở nhà ga, sân bay...

Có như vậy các hãng trong nước mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động, nhất là khi các đường bay quốc tế chưa biết bao giờ mới mở cửa trở lại do đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Ông Trần Thế Dũng (tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour):

Cần nguồn hỗ trợ để giữ chân người lao động

Bù lãi suất cho hàng không có khả thi?

Với đợt dịch COVID-19 thứ 2 này, tài chính của nhiều doanh nghiệp du lịch gần như cạn kiệt, dòng tiền không còn để duy trì hoạt động.

Doanh thu không có nên việc giữ được lao động là cả một vấn đề với các doanh nghiệp du lịch. Ước tính đã có đến 1/3 lao động trong các doanh nghiệp lữ hành, du lịch ở TP.HCM phải chuyển sang nghề khác.

Do đó cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch, chuẩn bị cho "hậu" COVID-19.

Phải giữ được lao động mới tính được chuyện phục hồi. Chưa hết, các hãng hàng không đang nắm giữ một lượng tiền vé máy bay, tiền đặt cọc vé của các hãng lữ hành, ước tính con số này lên cả chục tỉ đồng.

Nhưng có lẽ chỉ khi hãng hàng không vượt qua được khó khăn, doanh nghiệp lữ hành mới có cơ hội lấy lại tiền cọc, tiền vé máy bay.

Do đó chúng tôi cũng hi vọng ngành hàng không được hỗ trợ để có thể sớm vượt qua khó khăn, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch sớm lấy lại tiền mới có thêm nguồn kinh phí tái kinh doanh.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia hàng không):

Ngành hàng không đang cần máy "trợ thở"

Bù lãi suất cho hàng không có khả thi?

Với đại dịch COVID-19, thời gian qua hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, cần xác định rõ ngành nào cần được cứu trước để tạo động lực kéo các lĩnh vực khác chạy theo hồi phục.

Chẳng hạn một quán cà phê, quán phở làm ăn lỗ và đóng cửa, chắc chắn sẽ có người khác đầu tư. Nhưng với các ngành đặc thù như hàng không, cơ khí... một khi doanh nghiệp phá sản sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và không dễ dàng để khôi phục.

Các nước đều có chính sách, gói hỗ trợ khẩn cấp để cứu hãng bay trước bờ vực phá sản. Do đó Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu thêm các chính sách về gói hỗ trợ, chính sách để cứu hãng bay, nhất là sau khi dịch COVID-19 lại bùng phát đợt 2.

Có thể nói các hãng hàng không rất cần "máy trợ thở", "liều thuốc" hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ để thêm sức khỏe vượt qua khó khăn.

Cần mạnh dạn hơn trong các chính sách hỗ trợ, không chỉ dừng lại giãn, miễn một số loại thuế mà phải miễn giảm cả thuế và phí để cứu hãng bay trước nguy cơ mất thanh khoản dẫn đến phá sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả