“Bốc hơi” gần 14 tỷ USD, tỷ phú vượt Jack Ma gặp khó khăn
Sau khi bị “bốc hơi” 13,5 tỷ USD tỷ phú Colin Huang mất vị trí giàu nhất Trung Quốc và cổ phiếu PDD có nhiều biến động.
Mất vị trí giàu nhất Trung Quốc sau khi tài sản bốc hơi 13,5 tỷ USD
Tỷ phú Colin Huang không còn là người giàu nhất Trung Quốc sau khi giữ vị trí này trong khoảng hơn hai tuần. Khối tài sản của ông đã giảm mạnh, từ mức gần 50 tỷ USD xuống còn 35,2 tỷ USD vào sáng 27/8, theo tính toán của Forbes.
Hôm 11/8, nhà sáng lập Công ty PDD Holdings - Colin Huang (SN 1980) trở thành người giàu nhất Trung Quốc theo xếp hạng của Bloomberg, vượt qua ông chủ hãng giải khát Nongfu Spring - Zhong Shanshan, người nắm giữ vị trí này từ tháng 4/2021.
Theo Bloomberg, tính tới ngày 12/8, Colin Huang có khối tài sản trị giá 48,7 tỷ USD, đứng thứ 25 thế giới trong bảng tỷ phú giàu nhất hành tinh. Trong khi đó, Zhong Shanshan đứng thứ 26 với khối tài sản trị giá 47,3 tỷ USD.
Tỷ phú Colin Huang - nhà sáng lập Công ty PDD Holdings. Ảnh: Forbes
Tất nhiên, Colin Huang cũng vượt qua ông chủ gã khổng lồ công nghệ Tencent (công ty sở hữu siêu ứng dụng WeChat) Ma Huateng - Pony Ma (người có 42,6 tỷ USD, giàu thứ 32 thế giới tính tới 12/8). Huang cũng vượt ông chủ Bytedance (công ty sở hữu nền tảng chia sẻ video TikTok) Zhang Yiming (tỷ phú có 42,2 tỷ USD và giàu thứ 33 thế giới).
PDD Holdings của Colin Huang là công ty sở hữu trang mua sắm Temu làm mưa gió tại thị trường Mỹ và châu Âu gần đây và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo nổi tiếng của Trung Quốc. Pinduoduo cũng đã vượt qua cả Alibaba của Jack Ma.
Colin Huang lớn lên tại thành phố Hàng Châu, phía đông Trung Quốc. Ông từng là thần đồng toán học và từng là nhân viên của Google Trung Quốc.
Năm 2015, Colin Huang tạo ra nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Pinduoduo (PDD) nổi tiếng, với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng các chương trình khuyến mãi lớn. Đầu năm 2021, tài sản ròng của Huang đạt mức 71,5 tỷ USD nhưng cũng sụt giảm nhanh chóng khi cổ phiếu PDD mất gần 90%.
Biến động cổ phiếu PDD. Nguồn: Nasdaq
Tuy nhiên, sau đó PDD Holdings của Colin Huang đã bứt phá nhanh chóng với chiến lược tấn công thị trường nước ngoài dưới thương hiệu Temu.
Thành công một lần nữa đến với Colin Huang trong bối cảnh người tiêu dùng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, lao đao vì lạm phát thời hậu Covid và căng thẳng Nga-Ukraine từ năm 2022. Các sản phẩm giá rẻ của PDD được nhập khẩu từ Trung Quốc ngay lập tức hút khách. Temu trở thành một "cỗ máy in tiền" cho PDD.
Cuối năm 2023, PDD lần đầu tiên vượt Alibaba của Jack Ma để trở thành công ty Internet lớn thứ hai của Trung Quốc.
Cuộc chơi không còn dễ dàng, khó khăn dồn dập tới
Trong phiên giao dịch 26/8, cổ phiếu PDD Holdings giảm hơn 28,5%, từ mức gần 140 USD/cp xuống còn 100 USD/cp sau khi ban lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra cảnh báo về một tương lai không mấy sáng sủa, với sự chậm lại không thể tránh khỏi về tăng trưởng doanh thu.
Theo lãnh đạo PDD, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng trưởng doanh thu cao của PDD thời gian qua là không bền vững. Xu hướng giảm lợi nhuận là “không thể tránh khỏi”.
Đây cũng là điều đã được dự báo từ trước. Tại Trung Quốc, các ông lớn như TikTok của ByteDance và Alibaba gần đây tập trung mạnh vào mảng hàng hóa giá thấp, vốn từng là lợi thế của PDD.
Cũng tại Trung Quốc, PDD bị hàng trăm người bán hàng trên nền tảng Temu tổ chức biểu tình, phản đối những gì họ cho là các hình phạt không công bằng từ nền tảng.
Còn trên thế giới, Temu cũng gặp không ít thách thức khi đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý tại Mỹ và EU, liên quan tới việc quản lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến... Temu được cho là đã tận dụng lỗ hổng thương mại để đưa hàng hóa miễn thuế trị giá hàng trăm tỷ USD vào Mỹ, thông qua các kiện hàng nhỏ được gửi từ kho ở Trung Quốc tới từng khách hàng tại thị trường này.
Temu cũng bị giám sát ở cả trong và ngoài nước về điều kiện làm việc khắc nghiệt, sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021.
PDD Holdings báo doanh thu quý II/2024 thấp hơn so với mức kỳ vọng.
Trên thực tế, trong quý II/2024, PDD Holdings báo doanh thu chỉ hơn 13,6 tỷ USD, thấp hơn so với mức kỳ vọng 14,1 tỷ USD của giới quan sát thị trường. Dù vậy, doanh nghiệp của Colin Huang vẫn ghi nhận lợi nhuận bứt phá từ mức 1,78 tỷ USD cùng kỳ lên 4,4 tỷ USD.
Việc cổ phiếu PDD giảm hơn 28,5% trong một phiên khiến tài sản của Colin Huang hôm 27/8 giảm tương ứng, xuống còn 35,2 tỷ USD và xếp thứ 50 trên thế giới và thứ 4 tại Trung Quốc, sau Zhong Shanshan (49,9 tỷ USD), Zhang Yiming (43,4 tỷ USD) và Ma Huateng (40,7 tỷ USD).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận