Bộ Tài chính nói gì về đỉnh nợ trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn?
Theo Bộ Tài chính, quy định kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước đây là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực để trả nợ trong khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh giai đoạn 2023-2024.
Nhằm góp phần gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023-2024, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nhiều nội dung của Nghị định 65/2022 như: Kéo dài thời gian với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành.
Góp ý cho dự thảo của Bộ Tài chính về đề xuất sửa đổi xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá quy định này là cần thiết và đề nghị bổ sung thêm thông tin số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhất trí việc ngưng hiệu lực thi hành trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư; xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; giảm thời gian phân phối trái phiếu.
Trả lời rõ thêm về đề xuất quy định này, Bộ Tài chính cho rằng, có nhiều cách để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và mỗi loại hình nhà đầu tư phải đáp ứng một điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, ngoài xác định tư cách bằng danh mục chứng khoán, nhà đầu tư còn có thể chứng minh bằng thu nhập chịu thuế và chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
“Hiện chưa có quy định tập trung thông tin về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân do Bộ Công an quản lý. Do đó, không có cơ sở để tổng hợp số liệu về nhà đầu tư đủ và không đủ điều kiện như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ Tài chính cho biết.
Với đề xuất cho phép kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc cho phép gia hạn sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán, có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025-2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ hoặc đàm phán để giãn, hoãn hoặc thay đổi một số điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
“Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, theo đó đến giai đoạn 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ”, Bộ Tài chính cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị làm rõ quy định gia hạn trái phiếu là định hướng dài hạn hay mang tính tình thế. Doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có được thỏa thuận kéo dài kỳ hạn trả lãi không. Ngân hàng Nhà nước đề nghị đánh giá tác động đối với nhà đầu tư vì có thể tác động xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư không đồng ý thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bộ Tài chính khẳng định, quy định kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước đây là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực để trả nợ trong khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh giai đoạn 2023-2024. Do đó, tại dự thảo Nghị định đã quy định việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước đây đối đa không quá 2 năm.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận