24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Hòa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công Thương: Tránh tình trạng "cát cứ", gây khó cho phục hồi chuỗi cung ứng

Ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo Bộ Công Thương, để sản xuất phục hồi mạnh trong 2 tháng cuối năm, cần tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất, gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng.

Tín hiệu phục hồi sản xuất

Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 10 tháng năm 2021 của Bộ Công Thương, sau 1 tháng nới lỏng giãn cách, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương nhất là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước, dù vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 9% so với tháng trước nhưng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước; Ngành chế biến, chế tạo tăng 6,7% so với tháng trước nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 8,1%).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của việc bùng phát dịch vừa qua. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng qua, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nguyên nhân là vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Một số tỉnh như: Hà Nội, Tiền Giang, Cà mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.

Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Kỳ vọng 2 tháng cuối năm

Bộ Công Thương dự báo, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng cao hơn.

Tuy nhiên, để sản xuất công nghiệp sớm hồi phục trở lại, Bộ Công Thương cho rằng, cần sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất... gây khó khăn cho việc phục hồi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và lao động cho hoạt động sản xuất.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, điều quan trọng phải bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước (từ các cơ hội thị trường xuất khẩu do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại), thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.

Về dài hạn, Bộ Công Thương khẳng định, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.

Đồng thời, tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả