Bộ Công an nhận diện nhiều kẽ hở thao túng chứng khoán vụ FLC
Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận diện nhiều kẽ hở pháp lý vụ thao túng chứng khoán FLC, đề nghị UBCK tăng cường giám sát các doanh nghiệp niêm yết.
Liên quan vụ thao túng chứng khoán FLC, bên cạnh đề nghị truy tố 21 bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn kiến nghị nhiều nội dung.
Pháp luật còn sơ hở, thiếu sót
Qua công tác điều tra vụ án, CQĐT nhận thấy đang có các sơ hở, thiếu sót của quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán, để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không kiểm soát dẫn đến các đối tượng lợi dụng thuê, nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.
Ông Trịnh Văn Quyết khi còn đương nhiệm Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Việc kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở, các đối tượng đã lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật, ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định nhằm thu lợi. Từ đó, các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán, thu lợi bất chính.
Tội phạm thao túng thị trường chứng khoán diễn ra rất tinh vi, có tính tổ chức, phức tạp, liên quan nhiều đối tượng, ảnh hưởng lớn đến thị trường và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, chính sách quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định mức phạt đối với loại tội phạm này còn thấp, phạt tiền cao nhất 4 tỉ đồng, phạt tù cao nhất là bảy năm, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng nhưng thời hạn điều tra tối đa tám tháng, thời hạn tạm giam để điều tra tối đa năm tháng, gây khó khăn cho công tác điều tra và không đảm bảo răn đe, phòng ngừa.
Việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội, để các đối tượng lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Hiện nay, chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong các giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.
Ngăn chặn tăng vốn ảo
Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng kẽ hở pháp luật sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính.
Một DN có thể tự tăng vốn mà không cần cổ đông đóng thêm bất kỳ khoản nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ để thực hiện hành vi phạm pháp, thu lời bất chính như lừa đảo, thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá, thao túng thị trường chứng khoán… gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, DN, nhà đầu tư.
Để ngăn chặn tình trạng tăng vốn ảo, CQĐT kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan vốn điều lệ của DN; sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, cấm DN ủy thác đầu tư bằng vốn DN đối với cá nhân là cổ đông DN.
Đồng thời, quy định cụ thể, rõ thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp DN tăng vốn; quy định trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát về vốn điều lệ DN; quy định chức năng, nhiệm vụ, giám sát của các nhân tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước.
CQĐT cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tham mưu quy định kiểm soát dòng tiền của DN, đảm bảo dòng vốn góp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải cho mục đích quay vòng tăng khống vốn điều lệ; tăng cường chế tài xử phạt và xử lý hình sự để đảm bảo răn đe.
Đề nghị chuyển CQĐT các vụ việc tương tự
Đối với UBCKNN, CQĐT đề nghị tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, tập trung vào giao dịch các mã cổ phiếu có dấu hiệu biến động giá mạnh nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN yếu kém hoặc chuyển từ lỗ thành lãi.
Kịp thời nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội, nhóm online, diễn đàn, mạng xã hội, có biến động giá thuộc tiêu chí giám sát của sở giao dịch chứng khoán.
Tăng cường thanh tra, giám sát các DN đăng ký đại chúng, đăng ký niêm yết và các tổ chức khác tham gia thị trường để kịp thời ngăn ngừa sai phạm
CQĐT cho rằng, UBCKNN cần xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng, theo quy định tại khoản 1, điều 34, Nghị định số 156 đối với các cá nhân, pháp nhân.
CQĐT cũng đề nghị UBCKNN phối hợp để đánh giá lựa chọn một số mã cổ phiếu, trái phiếu, vụ việc nổi cộm để phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ xử lý nghiêm; chuyển Bộ Công an các vụ việc có dấu hiệu tương tự để kịp thời giải quyết.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán; các hoạt động đăng ký, niêm yết, phát hành đầu tư, giao dịch cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận