Bình Dương: “Hô biến” đất trạm vật tư đường sắt thành dự án nhà ở
Khu đất có diện tích rộng 4,8ha dành cho đường sắt tại trạm vật tư đường sắt Dĩ An (Bình Dương) bị chủ đầu tư tháo dỡ đường ray, “hô biến” thành dự án nhà ở thương mại để phân lô, bán nền.
Đường ray bị dỡ để phân lô, bán nền
Trạm vật tư đường sắt Dĩ An có tổng diện tích hơn 11,7ha nằm tại đường Lý Thường Kiệt (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được chia làm 2 khu: Khu phía trước có diện tích 6,3ha nơi có 4 đường ray nằm sát mặt tiền đường Lý Thường Kiệt; Khu phía sau còn lại gồm bãi hàng, kho xưởng.
Theo tìm hiểu, tháng 10/2012, ông Nguyễn Hữu Bằng - Chủ tịch hội đồng thành viên Đường Sắt Việt Nam (ĐSVN) lúc bấy giờ - đã phê duyệt phương án cơ cấu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trạm vật tư đường sắt Dĩ An rộng 117.332m2, trong đó sẽ xây dựng trạm vật tư đường sắt rộng 54.252m2, còn lại 63.080m2 dự kiến đầu tư thương mại dịch vụ.
Khu đất có diện tích rộng 4,8ha dành cho đường sắt tại trạm vật tư đường sắt Dĩ An (Bình Dương) bị chủ đầu tư tháo dỡ đường ray, “hô biến” thành dự án nhà ở thương mại để phân lô, bán nền. Ảnh: V.D
Đến ngày 4/12/2013, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đường sắt với diện tích 63.080m2.
Nhằm nâng cao giá trị lô đất, 4 đường ray ở trạm vật tư sẽ được dời từ mặt tiền đường Lý Thường Kiệt vào phía bắc khu đất (phía sau). Sau khi dịch chuyển đường sắt phải khôi phục lại nguyên trạng các đường, kèm theo đó là hệ thống bãi hàng, nhà kho phục vụ cho trạm vật tư đường sắt với diện tích khoảng hơn 4,8ha.
Tháng 1/2015, ĐSVN thoái toàn bộ vốn tại Vật tư đường sắt Sài Gòn. Giá trị lô cổ phần thoái vốn khi đó được định giá ban đầu hơn 16 tỷ đồng, nhà đầu tư trúng khoảng 37 tỷ đồng.
Sau khi thoái hết vốn nhà nước, đến giữa năm 2015, phó tổng giám đốc ĐSVN khi đó là ông Đới Sỹ Hưng đã đồng ý cho dịch chuyển đường sắt. Chỉ trong mấy ngày, 4 tuyến đường ray được tháo dỡ, biến khu đất này thành dãy nền nhà mặt tiền đường Lý Thường Kiệt.
Hàng ngàn thanh ray, tà vẹt là tài sản quốc gia bị tháo dỡ nằm chất đống 5 năm qua. Ảnh: V.D
Tuy nhiên khi tháo dỡ 2.082m của 4 đường sắt xong, cho đến nay Vật tư đường sắt Sài Gòn chỉ khôi phục đoạn đường chính dài 535m, còn 3 nhánh chưa thấy đâu dù đã hết thời hạn thi công.
Đến năm 2016, doanh nghiệp này bất ngờ xin cho thanh lý, thu hồi vật tư ray cũ tại các tuyến đường đã tháo dỡ mà không tiếp tục thực hiện dự án.
Tới năm 2017, khu đất 4,8ha còn lại Công ty Cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn tiếp tục chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An. Sau khi nhận chuyển nhượng, đơn vị này đã xin đăng ký làm chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích này và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận.
Như vậy, khu đất có diện tích rộng 4,8ha, theo hồ sơ thiết kế sẽ lắp lại đường ray bị tháo, xây trạm vật tư lại bị biến thành dự án nhà ở thương mại với giá gần 2 tỷ đồng/lô diện tích 75m2. Còn hàng ngàn thanh ray, tà vẹt là tài sản quốc gia bị tháo dỡ nằm chất đống 5 năm qua.
Điều đáng nói là dù các đường ray này đã bị tháo dỡ cách đây 5 năm nhưng Nhà nước vẫn rót tiền cho việc bảo trì các nhánh đường sắt này hằng năm. Đây là sự việc nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công bị thất thoát của doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 11/7/2019, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An.
Sau khi nghe Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT); Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương báo cáo các vấn đề liên quan tới khu đất thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, Bộ GTVT và tỉnh Bình Dương đi tới thống nhất tạm dừng thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) trong khi chờ các cơ quan chức năng rà soát các nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án.
Khách hàng cầu cứu khắp nơi khi lỡ mua dự án bị thanh tra
Khi biết thông tin dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt bị tạm dừng thực hiện dự án để thanh tra, nhiều khách hàng lỡ mua đất nền ở dự án này như “ngồi trên đống lửa”.
Trong đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Trung (SN 1972, ngụ Bình Dương) cho biết, tháng 1/2018 ông có ký hợp đồng hợp tác đầu tư để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) với Công ty TNHH phát triển Nhà xe lửa Dĩ An tạị phường Dĩ An, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với diện tích 191m2, mã nền 1 và 2, lô A12.
Theo nội dung hợp đồng, việc góp vốn được chia thành 4 đợt: Đợt 1 góp 40% giá trị, các đợt còn lại là góp 20% giá trị hợp đồng. Dự kiến sau 30 ngày góp vốn đợt 2 thì bên mua sẽ góp vốn đợt 3 và tương tự sau 30 ngày của đợt 3 sẽ góp vốn đợt 4, đồng thời chủ đầu tư sẽ giao nền và chờ các thủ tục nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều khách hàng trót lỡ mua đất nền tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng như "ngồi trên đống lửa" khi dự án bị tạm dừng để thanh tra. Ảnh: V.D
Đến ngày 31/1/2018, ông Trung đã thực hiện góp vốn xong đợt 2 tương ứng 60% giá trị nền đất. Căn cứ theo hợp đồng thì đến ngày 31/3/2018 sẽ hoàn tất việc góp vốn đồng thời nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bên phía công ty giao.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư dự án vẫn không giao GCNQSDĐ cho khách hàng, mặc dù đã thu đủ tiền.
Tương tự, tháng 4/2018 ông Vũ Đình Mạnh cũng ký hợp đồng với Công ty TNHH phát triển Nhà xe lửa Dĩ An một nền đất có diện tích 75m2, mã nền A12 – 58, quy trình góp vốn được chia thành 4 đợt. Đến ngày 30/5/2018, bản thân ông Mạnh cũng đã hoàn tất việc góp vốn đợt 2, tương đương 60% giá trị hợp đồng. Căn cứ theo hợp đồng đến ngày 2/1/2019 sẽ hoàn tất việc góp vốn và chờ công ty giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, ngày 28/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm dừng dự án để các cơ quan chức năng rà soát các nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án. Việc này khiến cho nhiều khách hàng mua nền đất tại khu dân cư này rơi vào tình trạng lo lắng, nguy cơ không thể nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dự án có thể bị thu hồi?!
Theo ông Mạnh, toàn bộ diện tích phân lô đã bán cho dân từ 2 năm trước bản thân ông cũng phải mua lại sang tên với giá 24 triệu đồng/m2. Số tiền trên ông Mạnh phải vay của ngân hàng và đang phải trả lãi hàng tháng.
Dân Việt tiếp tục thông tin vụ việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường