menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
My Lăng

BIDV: Sau tăng vốn là bứt tốc lợi nhuận?

Triển vọng bứt tốc về lợi nhuận của BIDV dựa trên nhiều nền tảng, trong đó, nền tảng về vốn là tiên quyết. Việc nâng hệ số an toàn vốn (CAR) giúp BIDV giải quyết bài toán không gian tăng trưởng tín dụng, kéo theo đó là không gian tăng thị phần, tạo điều kiện duy trì vị thế hàng đầu về thị phần, cũng là duy trì nền tảng tăng trưởng lợi nhuận đã thiết lập lâu nay.

Ngày 11/11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.

Theo đó, trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.

Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nguồn tiền hơn 20.000 tỷ đồng nhận được từ KEB Hana Bank được kỳ vọng sẽ giúp BIDV bứt phá, sau thời gian khá dài chậm lại để xử lý các vấn đề phát sinh kể từ khi sáp nhập ngân hàng MHB hồi năm 2015.

Nhìn lại, cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV là 1,68%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu tại VAMC (nợ xấu chưa thể dùng dự phòng để xử lý), tỷ lệ nợ xấu là 4,68%.

Năm 2016, BIDV đã phải tăng mạnh trích lập dự phòng thêm 62% so với năm 2015 nhằm xử lý nợ xấu nhưng cũng chỉ đưa tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) về mức 4,05%, cho thấy lượng nợ xấu phải xử lý là rất lớn. Do trích lập dự phòng quá lớn, BIDV cũng phải chấp nhận hy sinh khi lợi nhuận trước thuế năm 2016 giảm 3% so với năm 2015.

Năm 2017, lượng trích lập dự phòng tiếp tục tăng thêm 61% giúp đưa tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) về mức 2,73%, dưới ngưỡng 3% - ngưỡng tối đa được Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho một tổ chức tín dụng đang trong trạng thái "bình thường".

Sang năm 2018, lượng trích lập dự phòng tăng thêm 27% giúp đưa tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) giảm xuống còn 2,54%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ước tính cải thiện từ mức thấp (34%) lên mức trung bình (48%).

9 tháng năm nay, lượng trích lập dự phòng tiếp tục tăng 15%, cho thấy BIDV rất quyết liệt để xử lý gọn nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) ước tính giảm xuống còn 2,43%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ước tính tăng lên mức trung bình khá (67%). Trong khi đó, lãi dự thu khá lành mạnh, chủ yếu có thời gian đáo hạn không quá 1 năm, cho thấy còn ít rủi ro từ nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức lành mạnh, thông thường với đa số các ngân hàng là dưới 2%, đồng thời tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức khá, khoảng 70-80%, BIDV có lẽ cần phải tiếp tục trích lập dự phòng lượng lớn cho năm 2020 để xử lý gọn nợ xấu trước khi bứt tốc mạnh mẽ về lợi nhuận từ năm 2021.

BIDV: Sau tăng vốn là bứt tốc lợi nhuận?

Nguồn tiền hơn 20.000 tỷ đồng nhận được từ KEB Hana Bank được kỳ vọng sẽ giúp BIDV bứt phá sau thời gian khá dài chậm lại để xử lý nợ xấu

Triển vọng bứt tốc về lợi nhuận của BIDV dựa trên nhiều nền tảng, trong đó, nền tảng về vốn là tiên quyết. Tính toán sơ bộ cho thấy, hơn 20.000 tỷ đồng nhận được từ KEB Hana Bank giúp BIDV nâng hệ số an toàn vốn (CAR) từ mức chỉ khoảng 9% như hiện nay (CAR riêng lẻ) lên mức khoảng trên dưới 11%.

Việc nâng CAR giúp BIDV giải quyết bài toán không gian tăng trưởng tín dụng, kéo theo đó là không gian tăng thị phần, tạo điều kiện duy trì vị thế hàng đầu về thị phần (ngang ngửa Agribank), cũng là duy trì nền tảng tăng trưởng lợi nhuận đã thiết lập lâu nay.

Bên cạnh đó, việc nâng thêm đáng kể CAR cũng giúp BIDV có dư địa để tăng "Tài sản Có rủi ro" lên, nhờ đó tăng biên lợi nhuận. Chẳng hạn, tăng cho vay trung và dài hạn. Hiện tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của BIDV chỉ ở mức 37% (thời điểm kết thúc tháng 9/2019), thấp hơn nhiều mặt bằng chung, thậm chí thấp hơn đáng kể Vietcombank (47%) - ngân hàng nổi tiếng an toàn và ít ưa rủi ro.

Yếu tố thứ ba thúc đẩy lợi nhuận BIDV trong tương lai là triển vọng giảm lượng trích lập dự phòng nhờ hai lý do. Thứ nhất là do không còn áp lực trích lập dự phòng để giải quyết nợ xấu cũ. Thứ hai là có khả năng hoàn nhập dự phòng nhiều khoản nợ xấu đã mạnh tay xử lý trước đó.

Trên thực tế, nguồn thu từ nợ đã xử lý của BIDV khá lớn, lên đến gần 4.500 tỷ đồng trong năm 2018, cho thấy nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng không phải quá xấu, đồng nghĩa có tiềm năng hoàn nhập.

Yếu tố thứ tư là triển vọng lợi nhuận ở mảng dịch vụ. Thống kê giai đoạn 2016 - 9 tháng 2019 cho thấy, tăng trưởng lãi thuần mảng dịch vụ bình quân ở mức 16%/năm, chưa năm nào vượt quá 20%, cho thấy mảng này của BIDV khá thiếu tính đột biến, trong bối cảnh nguồn thu dịch vụ của nhiều ngân hàng khác tăng rất mạnh trong vài năm trở lại đây nhờ hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Nhìn vào trường hợp của Vietcombank (sẽ nhận 400 triệu USD trả trước từ hợp đồng bancassurance với FWD Group, theo nguồn tin của Bloomberg, tương đương 8.000 - 9.000 tỷ đồng), có thể thấy BIDV vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác bancassurance độc quyền. Hiện BIDV sở hữu một công ty con trong ngành bảo hiểm là BIC và một công ty liên doanh (sở hữu 37,55%) là BIDV Metlife, tương tự mô hình Vietcombank từng sở hữu công ty bảo hiểm VCLI và chuẩn bị bán cho FWD Group để thực hiện hợp đồng bancassurance độc quyền.

Ngoài ra, BIDV vẫn còn khá nhiều tiềm năng thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết. Hiện ngân hàng này sở hữu tới 12 công ty con, 3 công ty liên doanh (gồm Ngân hàng Liên doanh Việt Nga - VRB, Công ty liên doanh Tháp BIDV - BIDV Tower và Công ty Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife) và 1 công ty liên kết (18,52% cổ phần tại Công ty cho thuê máy bay Việt Nam - VALC).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID của BIDV đã ghi nhận mức tăng khá mạnh thời gian qua. Xét trong 6 tháng trở lại đây, thị giá BID đã tăng khoảng 30%. Còn nếu "bắt đáy" hồi tháng 7/2018, nhà đầu tư đã nhân đôi tài khoản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại