Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, VNE giải trình ra sao?
Không những lợi nhuận sau thuế tăng lỗ sau soát xét, VNE còn nhận ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của kiểm toán.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm năm 2024 đã soát xét, trong nửa đầu năm, Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (HoSE: VNE) ghi nhận doanh thuần đạt hơn 311 tỷ đồng, giảm hơn 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế bán niên ghi nhận lỗ gần 71 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi hơn 509 triệu đồng, đồng thời tăng lỗ hơn 7,7% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do các chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, cũng như chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tại Công ty con tăng sau soát xét.
Không chỉ kết quả kinh doanh thua lỗ, VNE còn phải nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Cụ thể, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNE giảm 49,78% so với năm trước; Lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh trong kỳ âm hơn 56 tỷ đồng. Trong kỳ kế toán kết thúc cùng ngày, VNE có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 6,2 tỷ đồng.
“Khả năng tiếp tục hoạt động của Tổng Công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty", kiểm toán nhấn mạnh.
Liên quan đến ý kiến nhấn mạnh trên của đơn vị kiểm toán, lãnh đạo VNE cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự tác động rất lớn từ những rủi ro bất khả kháng sau:
Thứ nhất, dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng và kéo dài từ năm 2020-2022 dẫn tới hoạt động thi công ngưng trệ. Việc kéo dài thời gian thi công làm tăng chi phí quản lý công trình, lãi vay vốn lưu động và biến động giá tăng của vật tư đầu vào và lạm phát tác động tới chi phí nhân công trong khi giá đấu thầu công trình với các chủ đầu tư là giá cố định dẫn tới các công trình sau thời gian thi công tới giai đoạn quyết toán giảm lợi nhuận hoặc lỗ.
Thứ hai, năm 2022-2023 các Ngân hàng siết chặt room tín dụng từ giữa năm nên việc hỗ trợ vốn cho hoạt động thường xuyên của Công ty thay đổi từ việc tài trợ vốn để thi công trước khi có khối lượng thay đổi thành tài trợ khi có khối lượng hoàn thành làm cho nhu cầu vốn lưu động cao hơn, thời gian kéo dài hơn, lãi vay tăng cao làm giảm lợi nhuận dòng tiền quay về để tăng trưởng hoạt động kinh doanh kéo theo doanh thu giảm và cơ hội tăng trưởng việc mới giảm.
Thứ ba, sự chồng chéo trong các Quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý trong thủ tục đầu tư đã tác động trực tiếp tới Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong do VNE sở hữu 100% vốn, đồng thời là nhà thầu EPC thi công hoàn tất 08 Tuabin từ năm 2021 nhưng đủ điều kiện vận hành thương mại được 05 Tuabin trước 31/10/2021 để được hưởng giá fix ưu đãi trong 20 năm, 03 Tuabin còn lại mặc dù hoàn thành lắp dựng nhưng không kịp kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật tại cột mốc 31/10/2021 và hoàn toàn sẵn sàng đủ tiêu chuẩn liền sau đó nhưng tới thời điểm báo cáo hiện tại vẫn chưa được bán do những lý do vượt ngoài sự kiểm soát của Công ty như sau:
Trên thị trường, cổ phiếu VNE đã giảm gần 35% về thị giá so với hồi đầu năm, đồng thời bị đưa vào diện cảnh báo từ 10.7.2024 do doanh nghiệp chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Một là, Dự án được cấp phép đầu tư lần đầu ngày 14/5/2009 phù hợp Quy hoạch điện, trước thời điểm Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Dự trữ khoáng sản Quốc gia, nhưng các bộ, ngành có liên quan không ký các thủ tục cần thiết để dự án hoàn tất thủ tục đầu tư liên quan tới đất phục vụ dự án cho mãi đến khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 thì mới xác định ranh dự án không nằm trong khu vực dự trữ Titan. Tuy nhiên, tới thời điểm báo cáo vẫn chưa được thuê đất để hoàn tất thủ tục COD 3 Tuabin đã bỏ chi phí đầu tư thu hồi lại dòng tiền và các Ngân hàng ngưng giải ngân vốn dài hạn cho vay dự án để thanh toán nhà thầu.
Hai là, sau khi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/09/2018 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án điện gió tại Việt Nam hết hạn vào ngày 01/01/2021 thì mãi tới ngày 07/01/2023 Bộ Công thương mới ban hành Quyết định số 21/QĐ- BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, song đến thời điểm báo cáo vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn để áp dụng dẫn tới gặp trở ngại trong đàm phán giá điện bán cho EVN.
Theo đánh giá của Chứng khoán MBS, trong 2024, nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ triển vọng cho hai nhóm điện mũi nhọn là điện khí và điện gió đang được đẩy nhanh, bao gồm khung giá cho LNG và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho năng lượng tái tạo (DPPA). Ngoài ra, MBS kỳ vọng một số chính sách chưa được hoàn thiện khác như khung giá cho điện năng lượng tái tạo sẽ được triển khai sớm, hỗ trợ triển vọng dài hạn của nhóm.
“Cơ chế giá bán lẻ mới sẽ giúp EVN có thể tăng giá điện từ 5-10% trong 2024, hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp đồng thời cải thiện dòng tiền thanh toán cho các nhà máy. Chúng tôi nhận thấy, môi trường đầu tư ngành điện đang trở nên thông thoáng hơn sau thời gian dài vướng mắc các chính sách”, MBS đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cũng kỳ vọng, nhóm doanh nghiệp xây lắp bao gồm xây lắp dự án truyền tải và nhà máy điện, sẽ có triển vọng phục hồi từ 2024-2025. Theo EVN, dự kiến kế hoạch đầu tư xây dựng cho 2024 vào khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện trong 2023 với dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phối Nối là trọng tâm.
Nhìn dài hạn hơn, nhu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện rất cần thiết trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao năng lượng tái tạo cùng với nhu cầu tăng cường cung ứng điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với ý chí quyết tâm của Chính phủ tập trung phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới phát thải ròng bằng “0” từ 2050.
“Theo QHĐ8, kế hoạch vốn và lượng công việc cho hoạt động xây lắp (hạ tầng và nguồn điện) là rất lớn từ nay đến 2030. Điều này cơ bản sẽ đảm bảo nguồn việc và hỗ trợ triển vọng tăng trưởng dài hạn nhóm xây lắp điện đặc biệt đối với những doanh nghiệp có năng lực làm dự án quy mô lớn”, MBS nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận