Bị hủy niêm yết ở sàn HOSE, cổ phiếu AGF về UPCoM
Sau 1 tuần bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ phiếu AGF của CTCP Xuất Nhập khẩu Thuỷ sản An Giang sẽ được giao dịch trở lại trên UPCoM ngày 24/02/2020 tới đây.
Kể từ ngày 17/02/2020, hơn 28 triệu cổ phiếu AGF đã bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE vì chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp và hoạt động kinh doanh cũng thua lỗ 03 năm gần đây. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 14/02.
Ngay trong ngày cổ phiếu AGF chính thức bị hủy niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc chính thức đưa hơn 28 triệu cổ phiếu AGF vào giao dịch trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) tại HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 24/02/2020 là 2,900 đồng/cp.
Năm 2020, AGF lên kế hoạch có lãi 22 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tục.
Theo đó, Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng thị phần trong nước và xuất khẩu, đưa ra thị trường các sản phẩm mới bù đắp cho sản phẩm fillet bị thu hẹp.
Ngoài ra, Công ty sẽ sắp xếp, củng cố các vùng nuôi cá nguyên liệu theo hướng thu hẹp vùng nuôi, giảm bớt sản lượng, nâng cao chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành cá nuôi hiệu quả cao nhất.
Trong năm 2019, sản lượng xuất khẩu của AGF đạt 3,429 tấn, giảm hơn 75% so với năm 2018. Tổng doanh thu đạt 807 tỷ đồng, giảm hơn 37% so với thực hiện năm trước. Công ty lỗ gần 256 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân khiến Công ty thua lỗ trong 2019 là không đủ nguyên liệu sản xuất để cung cấp theo các hợp đồng cho các khách hàng truyền thống tại thị trường EU, lại phải mất đi một số khách hàng do không đáp ứng được cho các hợp đồng.
Thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng khá, song chất lượng không cao, giá xuất thấp, không bù đắp được cho thị trường EU.
Mặt khác, Công ty bị thiếu vốn phục vụ cho sản xuất vì ngân hàng siết chặt tín dụng, vì vậy không đủ vốn để mua nguyên liệu sản xuất, chỉ sản xuất từ nguồn nuôi của Công ty dẫn đến không có sản phẩm để cung cấp cho thị trường vào lúc giá xuất khẩu tăng cao, lỡ mất thời cơ.
Đồng thời, thiếu hụt vốn cũng khiến các vùng nuôi không đạt hiệu quả, sản lượng nuôi chỉ đạt 20% so với quy mô vùng nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận