24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận mối quan hệ và đề nghị đối chất với lãnh đạo Công ty Nguyễn Kim

Đối chất trước tòa, bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM khẳng định không có bất kỳ quan hệ nào với ông Nguyễn Văn Kim, đồng thời, đề nghị HĐXX cho đối chất với ông Kim để làm rõ cuộc gặp mặt tại nhà riêng của mình với bị cáo Tề Trí Dũng và ông Kim.

Sáng 30/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên toà xét xử ông Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cùng 19 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - 100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (Sadeco - công ty con của IPC), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng.

Phiên tòa sáng nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu cho luật sư của ông Tất Thành Cang tham gia phần xét hỏi.

Trả lời luật sư, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty IPC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco) một lần nữa khẳng định ông Cang đã chủ động đề nghị "tạo điều kiện" cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) sở hữu cổ phần Sadeco.

Bị cáo Dũng khai, tại bữa tiệc ở nhà ông Cang, ông Cang đã kêu ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch Công ty Nguyễn Kim) qua cụng ly và có nói giúp đỡ cho Nguyễn Kim tham gia vốn tại Sadeco, vì vậy, trong nhận thức của bị cáo Dũng là ông Cang đồng thuận việc bán cổ phần Sadeco cho công ty Nguyễn Kim.

“Nếu không có ý kiến của ông Cang thì Sadeco sẽ không ban hành nghị quyết về chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim”, bị cáo Tề Trí Dũng khẳng định.

Trong khi đó, đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng, bị cáo Tất Thành Cang nhấn mạnh việc bị cáo Dũng chưa bao giờ đến nhà mình báo cáo vụ Sadeco, đồng thời khẳng định: “Không có bất kỳ quan hệ nào với ông Nguyễn Văn Kim. Bị cáo, Dũng và ông Kim chưa bao giờ gặp”.

Lý giải về việc này, bị cáo Cang cho biết, từ tháng 11/2016, ông đang theo học lớp kiến thức An ninh Quốc phòng khóa 63 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lớp khai giảng cuối tháng 10, bế giảng cuối tháng 11/2016, lớp học theo hình thức tập trung, ăn ngủ và học trong học viện, được quản lý bởi Học viện Quốc phòng, do đó, cuộc gặp mặt tại nhà riêng của ông Cang ngày 22/11/2016 là hoàn toàn không có.

Tiếp đó, bị cáo Tất Thành Cang đã đưa ra 3 căn cứ để chứng minh lời khẳng định trên: "Thứ nhất, bị cáo đề nghị luật sư liên hệ với Văn phòng Thành ủy để có quyết định triệu tập bị cáo đi học ở Học viện Quốc phòng của Ban tổ chức Trung ương Đảng.

Thứ hai, bị cáo thông báo phân công đồng chí Võ Thị Dung (Phó bí thư Thành ủy) xử lý công việc trong Thường trực Thành ủy trong thời gian bị cáo đi học.

Thứ ba, là lịch công tác tuần của ban thường vụ Thành ủy thể hiện rõ thời gian bị cáo học tại Hà Nội, bởi ngày khai giảng và bế giảng lớp học có đăng báo Quân đội nhân dân và trên Website Học viện.

“Khi đó, mọi người trong khóa học còn tham gia đi chúc mừng ngày 20/11 nên không thể nào có cuộc gặp như bị cáo Dũng đã khai. Bị cáo chưa bao giờ gặp ông Kim nên đề nghị HĐXX triệu tập người này đến tòa để đối chất làm rõ vụ việc”, bị cáo Tất Thành Cang nói.

Sau phần trình bày, luật sư Lê Nguyên Hòa (bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang) đã đề nghị HĐXX cho triệu tập ông Nguyễn Văn Kim đến tòa để làm rõ lời khai tại trang 25 của bản cáo trạng về buổi gặp mặt của ông Cang, Kim và Dũng tại nhà riêng của ông Cang nhằm giới thiệu Công ty Nguyễn Kim tham gia Sadeco.

“Việc đối chất với ông Kim mang tính quyết định để giải quyết vấn đề cáo buộc, vì trong phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng có lời khai mâu thuẫn với nhau”, luật sư Lê Nguyên Hòa nói.

Trả lời ý kiến của luật sư, chủ tọa phiên tòa xét thấy HĐXX đã triệu tập Công ty Nguyễn Kim với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên không cần thiết.

Theo cáo trạng, với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy (chủ sở hữu vốn Thành ủy), ông Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá trị cổ phần theo Nghị định 91/2015. Nhưng ông Tất Thành Cang vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược là sai, vi phạm quy định tại điều 125 và điều 149 luật Doanh nghiệp, gây thất thoát cho tài sản nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cho rằng việc ông đồng ý là do người đại diện vốn báo cáo không trung thực, che giấu việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, không cung cấp đủ thông tin khi xin ý kiến Thành ủy.

Cáo trạng xác định, ông Tất Thành Cang đã có hành vi bút phê "đồng ý" vào tờ trình số 1148 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc phát hành cổ phần của Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần, không yêu cầu thẩm định giá và đấu giá. Đây là cơ sở dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng, trong đó vốn của Thành ủy TP.HCM hơn 184 tỷ đồng, nên hành vi của ông Cang đóng vai trò đầu vụ. Còn ông Tề Trí Dũng, đồng ý thực hiện các thủ tục trên là làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả