Bị bán tháo, chứng khoán châu Á sụt mạnh nhất 9 tháng
Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất 9 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/2), dưới sức ép của lợi suất trái phiếu tăng vọt và nối tiếp phiên "đỏ lửa" vào đêm qua ở Phố Wall.
Theo tin từ Reuters, trong một dấu hiệu cho thấy tâm trạng bi quan đang phủ khắp thị trường toàn cầu, các chỉ số tương lai của chứng khoán châu Âu và Mỹ cũng đang chìm trong sắc đỏ. Eurostoxx 50 tương lai của thị trường châu Âu mất 1,7%, trong khi DAX tương lai của của chứng khoán Đức và FTSE tương lai của chứng khoán Anh đồng loạt "bay" 1,3% mỗi chỉ số.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản trượt hơn 3%, xuống mức thấp nhất 1 tháng. Đây là cú giảm mạnh nhất trong một phiên của chỉ số này kể từ tháng 5/2020. Tính cả tuần, chỉ số đã giảm hơn 5%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái - thời điểm mà Covid-19 bùng lên thành đại dịch, đẩy kinh tế toàn cầu tới bờ vực suy thoái.
Phiên "tắm máu" này của chứng khoán châu Á là sự nối tiếp phiên lao dốc đêm qua của chứng khoán Mỹ, và đều xuất phát từ một cuộc bán tháo trên thị trường trái phiếu. Giá trái phiếu sụt giảm dẫn tới lợi suất tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 1,6% trong phiên ngày 25/2, mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản đóng cửa với mức giảm gần 4%. Một chỉ số khác của thị trường Nhật là Topix chốt phiên sụt 3,2%. Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 3,1% điểm số.
Hang Seng của thị trường Hồng Kông trượt gần 2,9%. Tại thị trường Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite Index và Shenzhen Component Index giảm tương ứng 1,6% và 1,7%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của chứng khoán Australia tụt 2,4%. Lo ngại trước diễn biến của thị trường, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) bất ngờ mua vào trái phiếu để ngăn đà lao dốc của chỉ số.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã "hạ nhiệt" về ngưỡng 1,54 điểm, nhung vẫn cao hơn 40 điểm cơ bản so với đầu tháng - mức tăng mạnh nhất trong 1 tháng kể từ năm 2016. Lợi suất trái phiếu leo thang được xem là một dấu hiệu của kỳ vọng lạm phát tăng, đặt ra nguy cơ chính sách tiền tệ có thể sắp đến lúc phải thắt lại.
"Lợi suất trái phiếu vẫn có thể tăng cao hơn nữa trong ngắn hạn", chiến lược gia Shane Oliver thuộc AMP phát biểu với Reuters. "Xu thế nay càng kéo dài, thì càng có nguy cơ cao xảy ra một đợt điều chỉnh lớn trên thị trường cổ phiếu, nhất là khi các dự báo lợi nhuận không đuổi kịp tốc độ tăng của lợi suất".
Thị trường đang tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất trở lại sớm hơn dự kiến, cho dù Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất thấp và mua tài sản. Dù mới chỉ là ý nghĩ của nhà đầu tư, việc dòng tiền rẻ sẽ đến lúc phải chấm dứt đang gây ra những sóng gió mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu, sau một thời gian các chỉ số liên tục lập kỷ lục và định giá cổ phiếu bị kéo căng.
"Sự bán tháo trên thị trường trái phiếu đang mở ra một giai đoạn khó khăn cho những tài sản rủi ro", chiến lược gia Damien McColough của Westpac nhận định.
"Lợi suất trái phiếu tăng vốn thường được xem là một câu chuyện của kỳ vọng tăng trưởng tốt lên, theo đó làm lợi cho tài sản rủi ro. Nhưng những gì đang diễn ra lại cho thấy một điều rằng lợi suât tăng đang đặt ra rủi ro lãi suất tăng".
Phiên ngày thứ Năm ở Phố Wall, chỉ số Dow Jones sụt 1,75%; S&P 500 trượt 2,45%; và Nasdaq "bay" 3,52% - mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng.
Tất cả những diễn biến này đẩy cao tầm quan trọng của số liệu tiêu dùng cá nhân ở Mỹ dự kiến công bố trong ngày thứ Sáu. Dữ liệu này bao gồm một trong số những thông số về lạm phát mà Fed ưa chuộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận