Bến xe miền Tây (WCS) kinh doanh dưới giá vốn, trầy trật qua năm đại dịch
Liên tục 2 quý gần đây, Bến xe miền Tây kinh doanh dưới giá vốn – điều chưa từng ghi nhận với một doanh nghiệp nhiều năm dẫn đầu về thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) trên sàn.
Teo tóp doanh thu vì dịch
Quý thứ hai liên tiếp, Công ty cổ phần Bến xe miền Tây (mã chứng khoán WCS; HNX) báo lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh. Kinh doanh dưới giá vốn là điều mà bến xe lớn nhất nhì của TP.HCM chưa từng trải qua trong lịch sử hoạt động, ít nhất kể từ sau khi cổ phần hoá năm 2006. Nguyên nhân chính bởi doanh thu đã sụt giảm sâu vì đại dịch.
Doanh thu quý III/2021 đạt chưa đến 600 triệu đồng, tương đơng bình quân chỉ thu về 20 triệu đồng mỗi ngày và bằng chưa đến 3% mức doanh thu đạt được cùng kỳ. Bến xe gần như ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Tình hình có khả quan hơn trong quý IV/2021 khi doanh thu hoạt động kinh doanh tăng lên 4,3 tỷ đồng, vẫn giảm tới 85,64%.
Theo Tổng giám đốc Đặng Nguyễn Nguyên Huân, từ tháng 10/2021, công ty đã từng bước hoạt động kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh lây lan khắp cả nước đã gây ra tâm lý e ngại đi lại của người dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách. Sản lượng xe và khách xuất bến đều đã giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch.
Dù trích tiền lương và chi phí khác cũng đều giảm, trong đó chi phí nhân viên giảm 23%, Bến xe miền Tây lần lượt lỗ gộp 8 và 4 tỷ đồng trong hai quý cuối năm 2021. Lãi ròng trong nửa cuối năm xấp xỉ 11 tỷ đồng.
Nhờ nửa đầu năm trước đó, công ty vẫn lãi 11,6 tỷ đồng, chỉ bằng gần 21% lợi nhuận đạt được trong năm 2020. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu rơi từ mức 18.174 đồng xuống 2.283 đồng. Bến xe miền Tây các năm trước đều nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ tiêu này do quy mô vốn điều lệ khiêm tốn (25 tỷ đồng) nhưng nguồn thu hàng năm từ hoạt động kinh doanh đều lớn hơn gấp nhiều lần.
Không riêng hoạt động kinh doanh, doanh thu tài chính năm qua cũng teo tóp lại, một phần do lãi suất giảm và còn bởi lượng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng co lại. So với thời điểm đầu năm, công ty đã để thêm khoảng 40 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng với mức lãi suất rất thấp (3,2-3,58%/năm) trong khi trước đó gửi kỳ hạn 1 năm nhận được mức lãi suất quanh 6,4%/năm.
Tổng lượng tiền và tiền gửi ngân hàng cũng giảm nhẹ so với đầu năm để đáp ứng các khoản chi tiêu khi doanh thu sụt giảm, còn xấp xỉ 147 tỷ đồng. Đây cũng là tài sản chính trong tổng quy mô gần 186 tỷ đồng tài sản của đơn vị này, bên cạnh các tài sản cố định đã khấu hao xấp xỉ 70%.
Kỳ vọng hồi phục trở lại
Sự sa sút về doanh thu không phải câu chuyện riêng của Bến xe miền Tây. Ngành vận tải hành khách đã lao đao vì đại dịch hai năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vận tải hành khách đạt 2.387 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 33% so với năm trước (mức giảm của năm 2020 là 29,6%) và luân chuyển 94,7 tỷ lượt khách.km, giảm 42% (năm 2020 giảm 34,1%). Số lượt khách vận chuyển riêng trong quý III/2021 ước tính đạt 247,6 triệu lượt, giảm 69,6% so với cùng kỳ năm 2020 và nhích lên đạt 367,4 triệu lượt khách vận chuyển khi Nghị quyết 128/NQ-CP 2021 về thích ứng an toàn, kinh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được áp dụng từ cuối tháng 10. Cũng đã có những tín hiệu sáng hơn trong 2 tháng đầu năm với 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, dù vẫn còn giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu chính của Bến xe miền Tây đến từ thu phí dịch vụ xe ra, vào bến, trông giữ xe… Với tỷ suất sinh lời cao, qua nhiều năm tích luỹ, Bến xe miền Tây từng gây bất ngờ khi chi trả cổ tức cho cổ đông lên tới 400% vào năm 2018. Trước đó, với chủ trương chuyển các bến xe ra ngoại thành, đồng thời mở rộng diện tích các bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại, kế hoạch xây dựng bến xe miền Tây mới tại Bình Chánh cũng đã được công bố.
Tuy nhiên, thời điểm đó, công ty vẫn quyết định xả “kho tiền” sau vài năm tích luỹ do chưa xác định được chủ đầu tư liệu có phải là SAMCO (công ty mẹ của CTCP Bến xe miền Tây) hay không. Bên cạnh những khó khăn từ đại dịch, đây cũng là câu chuyện riêng trong chiến lược kinh doanh dài hạn của công ty này. Các khoản đầu tư mới trong năm 2021 của công ty này tập trung chính vào việc cải tạo hệ thống camera giám sát (865 triệu đồng) và tăng cường công suất trạm biến áp (gần 560 triệu đồng).
Vốn điều lệ hiện tại của Bến xe Miền Tây duy trì ở mức 25 tỷ đồng từ thời điểm cổ phần hoá đến nay. Trong đó, Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) sở hữu 51% cổ phần, Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10% cổ phần. Cổ phiếu WCS vẫn đang giao dịch trên sàn HNX và gần như không chịu tác động bất chấp tình hình kinh doanh sụt giảm, bởi thanh khoản cổ phiếu rất thấp với chỉ khoảng vài trăm cổ phiếu chuyển nhượng mỗi phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận