Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Phiên đấu giá cổ phiếu lịch sử 300 triệu cổ phiếu của Becamex IDC, với giá khởi điểm 69.600 đồng/CP, dự kiến huy động hơn 20.880 tỉ đồng.
Huy động vốn để đầu tư và tái cấu trúc tài chính
Ngày 5.2, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán BCM) công bố giá khởi điểm cho đợt chào bán 300 triệu cổ phiếu BCM ra công chúng thông qua phương thức đấu giá công khai tại HoSE. SSI là đơn vị tư vấn cho đợt phát hành. Hội đồng quản trị (HĐQT) Becamex IDC quyết định mức giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị vốn huy động theo giá khởi điểm là 20.880 tỉ đồng. Mức giá này tương đương thị giá hiện tại của cổ phiếu BCM.
Tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ công ty là 10.350 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu 20.480 tỉ đồng. Như vậy, nếu huy động vốn thành công sau đợt đấu giá công khai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 13.350 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu gấp đôi lên hơn 41.000 tỉ đồng.
Về kế hoạch sử dụng vốn huy động, Becamex IDC dự kiến dùng 6.300 tỉ đồng để đầu tư dự án Khu công nghiệp Cây Trường (2.800 tỉ đồng), Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (3.500 tỉ đồng); 3.634 tỉ đồng góp vốn vào các công ty hiện hữu gồm Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (2.118 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước (900 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Becamex - VSIP (216 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam - Singapore (200 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Becamex Bình Định (200 tỉ đồng); và 5.066 tỉ đồng để tái cấu trúc tài chính trả nợ trái phiếu, nợ vay ngân hàng. Tính đến cuối phiên 7.2, room ngoại của Becamex còn trống 31,77%, tương đương hơn 330 triệu cổ phiếu.
Hai lần liên tiếp “ế” lượng lớn cổ phiếu chào bán ra bên ngoài
Điểm đáng lưu ý, mặc dù sở hữu quy mô tài sản lớn và nhiều khu công nghiệp có tiếng trong cả nước nhưng Becamex IDC từng chứng kiến 2 đợt chào bán cổ phiếu ế ẩm vào giai đoạn cuối năm 2017 đến đầu năm 2018.
Trong đó, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào ngày 1.12.2017, Becamex IDC đã thất bại nặng nề khi chỉ có 19 triệu cổ phiếu, chiếm 6,1% trong tổng số hơn 311,2 triệu cổ phiếu ra đấu giá.
Tới ngày 3.1.2018, Becamex IDC tiếp tục chào bán cổ phiếu ra công chúng lần thứ hai với việc bán được 5,1 triệu cổ phiếu ở mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu trong tổng 296,46 triệu cổ phiếu mang ra chào bán. Như vậy, sau 2 đợt đấu giá trước đó, Becamex IDC chỉ bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phiếu chào bán, thu về tổng cộng 745 tỉ đồng.
Trong khi đó, bản thân tổng công ty đang có tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức cao, quy mô nợ vay lớn và hiệu quả kinh doanh trên vốn đầu tư thấp của BCM cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư quan ngại. Báo cáo tài chính năm 2024 vừa được công bố của Becamex IDC cho thấy, trong quý IV/2024, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần gần 2.000 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, do nguồn thu chính từ mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm 71% về còn hơn 1.334 tỉ đồng; trong khi doanh thu xây dựng gần 183 tỉ đồng, gấp 8,7 lần. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần hơn 5.195 tỉ đồng, giảm 34% và lợi nhuận hơn 2.105 tỉ đồng, giảm 13% so với năm trước. So với kế hoạch, ông lớn Khu công nghiệp Bình Dương này mới thực hiện được lần lượt 60% và 98%. Nợ phải trả còn gần 38.298 tỉ đồng, tăng 13%. Điều đó cho thấy nhu cầu vốn để thanh toán nợ vay của Becamex IDC hiện rất lớn.
"Game" thoái vốn đang dần mất đi tính hấp dẫn?
Becamex IDC là một doanh nghiệp sở hữu quy mô tài sản lớn, nhiều dự án bất động công nghiệp - thương mại trên cả nước, vì vậy, Becamex IDC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đáng chú ý của giới đầu tư mỗi khi có thông tin thoái vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, với tỉ lệ bán vốn và Nhà nước vẫn sở hữu cổ phần chi phối, điều này cũng tạo ra các lo ngại. Theo bản cáo bạch, tính đến ngày 5.11.2024, cơ cấu cổ đông của Becamex khá cô đặc với cổ đông lớn nhất là UBND tỉnh Bình Dương nắm 95,44%. Tháng 5.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 426 phê duyệt giảm vốn Nhà nước tại Becamex từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông Nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại doanh nghiệp này.
Giới đầu tư ít nhiều lo lắng khi Nhà nước vẫn chi phối thì về điều hành, về quản lý và đặc biệt hơn, với quy mô lớn như vậy việc bán vốn không đơn thuần cổ đông nhỏ có thể mua mà phải là một tổ chức quy mô lớn mới có thể tham gia.
Trao đổi thêm về "game" thoái vốn Nhà nước, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital cho rằng, điểm rất quan trọng đối với câu chuyện cổ phần hóa được các nhà đầu tư ưa thích đó chính là dư địa cải thiện lợi nhuận thời hậu cổ phần hóa. Vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư chiến lược được ví như một làn gió mới thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện hiệu suất hoạt động, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn. Thế nhưng, thông tin về thời điểm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Becamex IDC đến nay vẫn chưa công bố chi tiết như điều kiện tham gia, quy trình thực hiện cũng như thời điểm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường