Bát phở, chai nước đắt đỏ ở sân bay không khách: Doanh nghiệp dịch vụ 'ăn theo' hàng không nhận cú sốc, bết bát
Không chỉ các doanh nghiệp hàng không “ngấm đòn” từ đại dịch, các doanh nghiệp phụ trợ liên quan đến hàng không cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Bát phở 150 ngàn đồng, chai nước vài chục ngàn dù đắt đỏ ở sân bay nhưng dịch vụ vẫn đông khách vào thời hoàng kim, khách bay nườm nượp đến rồi đi, các hãng bay và ông lớn dịch vụ sân bay ung dung thu tiền, lời lãi đến chục ngàn tỷ mỗi năm.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không - Taseco (AST) cho biết, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2020 chịu tác động tiêu cực từ đợt bùng phát đầu tiên của dịch bệnh tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 55,5% so với cùng kỳ, đạt 242 tỷ đồng do các chuyến bay thương mại quốc tế bị hoãn lại.
AST đã đóng cửa tất cả các cửa hàng bán lẻ tại các sân bay vào tháng 4/2020. Sang tháng 6/2020, các cửa hàng tại các nhà ga quốc tế vẫn đóng cửa do việc hạn chế nhập cảnh.
Theo đó, AST đã phải cắt giảm 49% tổng số nhân viên so với cuối năm 2019, chi phí thuê mặt bằng cũng giảm được 36%. Tuy nhiên điều này không thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của doanh thu, khiến lợi nhuận hoạt động lỗ 12 tỷ đồng. Nhờ thu nhập lãi tiền gửi khoảng 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của AST đạt mức dương với khoảng 0,5 tỷ đồng.
Đối với dịch vụ suất ăn hàng không của công ty liên doanh liên kết với AST là VINACS, trong 6 tháng đầu năm nay VINACS lỗ ròng 14 tỷ đồng so với mức lãi 26 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái do các chuyến bay bị tạm dừng. VINACS dự kiến xây nhà máy mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng trong 2021, tuy nhiên kế hoạch có thể bị hoãn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
Cũng do đợt bùng phát dịch lần 2 tại Đà Nẵng, nhiều khả năng AST sẽ phải chịu một cú sốc về kết quả kinh doanh quý 3. Theo ước tính, chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 12-15% tổng doanh thu của các cửa hàng, tùy thuộc vào sân bay. Sân bay Đà Nẵng là sân bay chính của AST, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu - khoảng 40%.
AST cho biết, sức mua của hành khách nội địa thường thấp hơn khách quốc tế, và sức mua đã giảm rất lớn kể từ khi dịch bùng phát.
Mặc dù vậy, tính đến 30/09/2020, AST đã mở 4 cửa hàng bán lẻ mới so với cuối năm ngoái, đạt 96 cửa hàng tại 7 sân bay lớn nhất Việt Nam. 4 cửa hàng mới bao gồm: 2 cửa hàng thức ăn nhanh tại nhà ga nội địa của sân bay Cam Ranh và Tân Sơn Nhất, 1 nhà hàng và 1 phòng chờ VIP tại nhà ga nội địa của sân bay Nội Bài. Ngoài ra, AST có khoảng 40 cửa hàng tại các nhà ga quốc tế, chiếm khoảng 50% tổng số cửa hàng, trong số đó chủ yếu tạm thời đóng cửa. Thông thường, doanh thu từ các nhà ga quốc tế chiếm khoảng 60% doanh thu bán lẻ.
Chiến lược của AST trong tương lai sẽ mở các cửa hàng bán lẻ mới chủ yếu tập trung tại Tân Sơn Nhất và Phú Quốc. Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch mở rộng sang một số sân bay như sân bay Cát Bi, Phù Cát, Tuy Hòa.
Với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), tình cảnh còn trở nên bết bát hơn khi ước tính, tổng lượng hành khách hàng không trong quý 3/2020 đạt khoảng 13,6 triệu lượt khách, giảm 49% so với cùng kỳ.
Năm 2019 ACV có lợi nhuận sau thuế cực khủng là 8.214 tỷ đồng.
Với lượng khách sụt giảm mạnh, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính doanh thu quý 3/2020 của ACV đạt 1.339 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, và lợi nhuận trước thuế âm 32 tỷ đồng, giảm 101% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 8 vừa qua, tổng lượng hành khách đạt 2,2 triệu lượt khách (giảm 77,8% so với cùng kỳ), 99% là hành khách nội địa, trong khi lượng hành khách quốc tế giảm 99,1% so với cùng kỳ.
So với tháng trước, lượng khách nội địa trong tháng 8 giảm mạnh 73,8% sau khi các đường bay kết nối với Đà Nẵng bị hủy do đợt tái bùng phát dịch tại đây. Bên cạnh đó, tâm lý và kế hoạch du lịch của nhiều hành khách nội địa cũng đã bị ảnh hưởng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng của ACV giảm 44,2% so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế giảm 74,9%, khách nội địa giảm 27,4%).
Lượng khách quốc tế trong tháng 9 tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước chỉ đạt 40 nghìn lượt khách (giảm 98,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15% so với tháng trước đó. Tổng lượng hành khách quốc tế tiếp tục duy trì ở mức rất thấp so với cùng kỳ, với sản lượng ước tính 105 nghìn lượt, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách nội địa trong tháng 9 ước đạt khoảng 2,9 triệu lượt khách, tăng 33% so với tháng 8, nhờ vào các đường bay kết nối với Đà Nẵng đã được nối lại từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, lượng khách tiếp tục duy trì mức thấp so với cùng kỳ với mức giảm 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, ước tính doanh thu quý 3 của ACV đạt khoảng 1.339 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu dịch vụ hàng không giảm 73,1%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục được tiết giảm theo chủ trương cắt giảm chi phí của ACV, trong đó giảm quỹ lương từ 15-45%, ước tính giảm được 175 tỷ đồng.
Qua đó, dự kiến ACV lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi với mức âm 317 tỷ đồng. Cũng giống như AST, ước tính lợi nhuận trước thuế của ACV chỉ âm khoảng 32 tỷ đồng nhờ việc tiếp tục ghi nhận khoản lãi tiền gửi 560 tỷ đồng trong quý 3.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận