Bất ngờ thương hiệu 'vang bóng một thời' giày Thượng Đình, vang Thăng Long, mì Miliket
Giày Thượng Đình, vang Thăng Long, mì Miliket... đều là những thương hiệu gắn bó với người tiêu dùng trong nhiều chục năm. Bài toán cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận hoặc thậm chí giảm lỗ... là những vấn đề khiến họ đau đầu.
Hết thời hoàng kim, vang Thăng Long liên tục thua lỗ
Công ty cổ phần Vang Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp nước giải khát Thăng Long, ra đời năm 1989 trực thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Năm 2001, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP.
Từng là một thương hiệu có tiếng với thị trường đồ uống trong nước, tuy nhiên vang Thăng Long ngày càng “hụt hơi” trong cuộc đua với các thương hiệu nhập khẩu. Doanh thu qua các năm của vang Thăng Long khá “làng nhàng”, lợi nhuận âm nhiều quý.
Theo ban lãnh đạo công ty, quý IV là thời điểm bán hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Do dịch COVID-19 được kiểm soát nên hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.
Khoản lỗ luỹ kế tính đến hết 2022 là 38 tỷ đồng. Riêng năm 2021, công ty chuyển lỗ sang lãi nhờ "khoản thu nhập khác" là 10,7 tỷ đồng. Không phải từ mảng kinh doanh chính, khoản này có được từ thanh lý tài sản và khoản hỗ trợ của Công ty CP siêu thị VHSC cho dự án "Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng số 181 Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Hà Nội".
Số lượng lao động công ty tính đến cuối 2021 còn 71 người, thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng. HĐQT, Ban kiểm soát không nhận thù lao.
Giày Thượng Đình - tọa đất vàng, "ôm" khoản lỗ luỹ kế lớn
Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (GTD) tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập năm 1957. Hiện có vốn điều lệ 93 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, doanh thu của giày Thượng Đình là 108 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 104 tỷ đồng đạt được năm trước. Giá vốn bán hàng giảm, lợi nhuận gộp tăng hơn so với năm trước.
Chi phí tài chính giảm nhẹ trong khi chi phí bán hàng tăng, kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giày dép này âm 774 triệu đồng, khởi sắc hơn nhiều so với con số lỗ gần 14 tỷ đồng năm trước.
Lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2021 là gần 50 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, tại thời điểm cuối 2021, số dư nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn đã được thanh toán trước hạn và ban tổng giám đốc công ty này cam kết duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới, kết luận kiểm toán nêu.
Thương hiệu mỳ gắn với tuổi thơ nhiều người
Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket mới đây đã có báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022. Một trong những Nghị quyết quan trọng được thông qua cuối năm 2022 đó là chủ trương di dời nhà máy khỏi khu dân cư.
Năm 2022, cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu của thương hiệu mỳ gói “hai con tôm” này nhận cổ tức 1.700 đồng. Mức này được cho là thấp nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin cổ tức lần đầu vào năm 2013. Do không đạt mục tiêu lợi nhuận, cổ tức giảm mạnh.
Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, doanh thu đạt hơn 573 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm tương đương 7% và 36% so với năm trước. Đây cũng là năm mà thương hiệu mỳ nổi tiếng một thời này ghi nhận mức lãi thấp nhất trong suốt nhiều năm trở lại đây.
Ngoài COVID-19, một khó khăn khác được ban lãnh đạo đề cập tới là giá nguyên liệu liên tục tăng, phải điều chỉnh giá bán nhiều lần nhưng không kịp lại với đà tăng.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng bán ra đạt 19.000 tấn, tổng doanh thu đạt 792 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 26 tỷ đồng. Thu nhập Chủ tịch HĐQT nhận được mỗi tháng năm 2021 là 12 triệu đồng, các thành viên khác 10 triệu đồng/tháng. Lương tổng giám đốc 60 triệu đồng/tháng.
Là một trong những thương hiệu nổi tiếng của người Việt có tuổi đời gần 50 năm, những năm Miliket đứng trước bài toán cạnh tranh rất lớn từ nhiều cái tên “sừng sỏ” trên thị trường. Tại báo cáo thường niên, chủ sở hữu mỳ Miliket không đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh, chỉ hướng đến "ổn định bền vững về các chỉ tiêu sản lượng, doanh số và lợi nhuận".
Vào những năm 1980, mì Miliket được coi là món ăn hảo hạng, có giá khoảng 500 đồng. Sau đó 1 thập kỷ, khi kinh tế tốt hơn hơn, mì Miliket trở nên phổ biến, là món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi hàng loạt hãng mì ăn liền trong và ngoài nước xuất hiện đã khiến vị thế “độc quyền” của mì Miliket dần mất đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường