Bất động sản vẫn là điểm sáng hấp dẫn vốn đầu tư
Nnăm 2022, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng.
Tính đến hết quý III, vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản. Các chuyên gia nhận định, thời điểm cuối năm 2021 và cả năm 2022, bất động sản vẫn sẽ là kênh hút dòng tiền đầu tư.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, dư địa phát triển dành cho bất động sản vẫn còn nhiều. Theo VNREA, tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam năm 2020 chỉ mới đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ trọng này thường chiếm từ 20 - 25% tổng GDP. Do đó, ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn kỳ vọng nhiều vào dư địa để phát triển.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong giai đoạn những năm tiếp theo 2022-2023. Đáng chú ý, hiện nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn rất cao. Đây là yếu tố thúc đẩy thị trường phục hồi mạnh, tiếp tục gia tăng giá và hút vốn.
Chuyên gia này dẫn chứng, năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng từ 6-6,5%. Thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng từ 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng.
Ngoài ra, triển vọng của thị trường còn trông đợi ở nhiều yếu tố lạc quan khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện với các mốc gia tăng diện tích bình quân nhà ở. Cùng đó, phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công được thúc đẩy, các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần công với tốc độ đô thị hoá tăng nhanh... cũng trở thành những "điểm cộng" đem đến xu hướng tích cực cho thị trường bất động sản.
Sự bền vững của nhóm bất động sản còn thể hiện qua lượng vốn tư nhân và vốn FDI đổ mạnh vào thị trường này. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đã đạt gần 2 tỷ USD, tiếp tục trụ hàng ở vị trí thứ ba trong nhóm các lĩnh vực.
Trên thị trường phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản cũng đang xếp thứ nhất với 436.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản cũng đang có mức tăng cao hơn bình quân toàn thị trường và là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Điều này tiếp tục khẳng định bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Giới chuyên môn nhận định, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn có giao dịch, nhiều người mua bán, giá chứng khoán lên xuống mạnh, phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro, có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào. Điều này vô hình chung khiến cho kênh chứng khoán kém hấp dẫn hơn.
Mặt khác, để tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng phải hiểu biết "kỹ thuật" chứ không phải ai có tiền và thích đều có thể tham gia ngay được. Trong khi đó, giai đoạn vừa qua, thị trường bao phen hồi hộp với "bước nhảy" của vàng khi giá vàng trong nước so với giá thế giới co độ chênh khá lớn khiến đầu tư mua vàng thời điểm này khó sinh lời, thậm chí còn mang lại nhiều rủi ro. Đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để chọn vàng là kênh đầu tư số lượng lớn.
Bởi vậy, hai kênh đầu tư được xem là an toàn nhất mùa dịch là vàng và chứng khoán đang chững lại vì biến động của thị trường. Sự dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư phần lớn đang dồn về bất động sản.
Sau cả quý III bất ổn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến tận cuối tháng 10, nhiều thành phố đều mở cửa trở lại, chỉ một số ít còn hạn chế. Thị trường bất động sản đang tranh thủ thời điểm này để tăng cường hoạt động kinh doanh, tung ra các chính sách khuyến mại cũng như để kích cầu người mua nhà - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Khang, CEO của Tập đoàn đầu tư LDG (LDG Investment) nhận xét.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản chiếm đến 75% tổng nhu cầu đầu tư. Còn các tháng gần đây, giãn cách xã hội khiến dòng tiền vào bất động sản có phần chững lại và tập trung hơn vào chứng khoán, nhưng sau giãn cách bất động sản sẽ hút mạnh dòng tiền trở lại.
Sau một thời gian dài, dòng vốn trong dân "nằm im" do đại dịch cũng sớm tham gia trở lại vào nền kinh tế. Đây là lúc nhiều người sẽ tranh thủ để đón sóng đầu tư. Do đó, thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục và khởi sắc trong thời gian ngắn - chuyên gia này nhận xét.
Đến thời điểm này, các chuyên gia nhận định, bất động sản luôn là kênh đầu tư được đánh giá an toàn, có thể tạo lợi nhuận trong dài hạn bởi tâm lý nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường này sau giãn cách.
Đánh giá về triển vọng thị trường năm 2022, Phó Tổng giám đốc Trang Batdongsan Nguyễn Quốc Anh chia sẻ, nhu cầu đầu tư địa ốc của người dân vẫn rất lớn. Khảo sát nhanh 1.000 người mua nhà của trang này cho thấy, 92% phản hồi sẽ tiếp tục đầu tư bất động sản trong năm sau; trong đó, 77% nói rằng việc mua nhằm sở hữu thêm nhà, chỉ 23% cho biết là mua thay thế. Cùng đó, có 44% người nói sẽ mua trong 1 đến 2 năm tới và 32% cho biết sẽ đầu tư trong vòng từ 3-5 năm.
Diễn biến thị trường thời điểm cuối năm cho thấy, phân khúc nhà thấp tầng ở vùng ven Hà Nội đang diễn ra rất sôi động. Cuối tuần, các nhà đầu tư đi "săn đất" khá tấp nập tại Lương Sơn (Hòa Bình), Mê Linh (Hà Nội), Bắc Ninh... Thị trường phân khúc nhà thấp tầng các khu vực như Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông khá sôi động.
Một số dự án ngay trong ngày mở bán đã ghi nhận vơi hết "giỏ hàng". Nhiều nơi ghi nhận mỗi tuần một giá; thậm chí, có khu vực trung bình mỗi tuần giá nhà thấp tầng chênh từ 200-500 triệu đồng. Thị trường bất động sản đang ấm lại nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng nguy cơ sốt đất sẽ “bùng” lại vào đầu năm 2022./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận