24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thố Tử Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bão Yagi có được coi là sự kiện bất khả kháng đối với doanh nghiệp?

Bão Yagi có được xem là sự kiện bất khả kháng và được xem xét miễn trừ trách nhiệm hay không phụ thuộc vào việc bên bị ảnh hưởng có những hành động cần thiết để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai ra sao.

Bão Yagi có được coi là sự kiện bất khả kháng đối với doanh nghiệp?
Nhà xưởng của một doanh nghiệp ở Hà Nội bị đổ nát sau bão số 3 (Yagi). Ảnh: Hoàng Thắng

Cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam, gây ra những gián đoạn không nhỏ trong các hoạt động thương mại và kinh doanh. Đứng trước những thiệt hại đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đặt ra câu hỏi: Liệu bão Yagi có được coi là một sự kiện bất khả kháng theo quy định pháp luật Việt Nam? Nếu có, doanh nghiệp có thể dựa vào đó để miễn trừ trách nhiệm đối với các bên liên quan trong hợp đồng thương mại? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề từ hai góc độ: Cơ sở pháp lý và thực tế áp dụng.

Sự kiện bất khả kháng nhìn từ quy định của luật

Trước hết, căn cứ Điều 156 của Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện “bất khả kháng” (Force Majure) được hiểu là một sự kiện xảy ra khách quan, không thể dự đoán trước và không thể khắc phục dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết trong phạm vi khả năng cho phép.

Từ định nghĩa này, các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, động đất và các sự kiện tự nhiên tương tự thường được xem là bất khả kháng nếu chúng xảy ra đột ngột, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người/doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại đáng kể cho đối tượng này.

Bão Yagi, với sức tàn phá dữ dội, đã ảnh hưởng đáng kể đến cơ sở hạ tầng và làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi logistics của nhiều doanh nghiệp. Dựa trên những tác động thực tế của bão Yagi cùng với định nghĩa về sự kiện bất khả kháng trong pháp luật hiện hành, có thể nhận thấy rằng Yagi có thể đáp ứng các điều kiện để được coi là một sự kiện bất khả kháng. Đây là một hiện tượng tự nhiên mà con người không thể kiểm soát, gây ra những gián đoạn không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, để khẳng định bão Yagi là sự kiện bất khả kháng theo quy định pháp luật và áp dụng vào trường hợp cụ thể của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp cần phải chứng minh rằng mình đã nỗ lực hết mức trong việc khắc phục hậu quả mà bão gây ra, bao gồm việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại trong khả năng của mình.

Không phải mọi trường hợp thiên tai đều là “bất khả kháng

Thực tiễn đã cho thấy rằng không phải tất cả các thiên tai đều là sự kiện bất khả kháng để doanh nghiệp yêu cầu miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Nhiều tình huống tranh chấp đã chỉ ra rằng việc áp dụng sự kiện bất khả kháng không chỉ phụ thuộc vào quy định pháp luật mà còn phải dựa trên bối cảnh thực tế và những điều khoản hợp đồng cụ thể. Điều này đòi hỏi các bên phải hành xử một cách khéo léo và phù hợp với quy định hợp đồng, quy định pháp luật.

Trong nhiều vụ việc, cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận thiên tai là sự kiện bất khả kháng nếu doanh nghiệp không thể chứng minh đủ các điều kiện cần thiết hoặc không thể thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa thiên tai và thiệt hại doanh nghiệp phải gánh chịu. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp dự phòng hoặc không kịp thời thông báo cho đối tác về sự cố (hình thức thông báo này phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng), thì việc yêu cầu miễn trừ trách nhiệm sẽ khó được chấp nhận.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng còn phải căn cứ vào điều khoản hợp đồng cụ thể. Nhiều hợp đồng thương mại đã quy định rõ ràng về các sự kiện bất khả kháng, liệt kê các trường hợp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… và cơ chế xử lý khi sự cố xảy ra, bên cạnh các quy định chung của pháp luật.

Như vậy, dù về lý thuyết, thiên tai nói chung và bão Yagi nói riêng, có thể được coi là sự kiện bất khả kháng, nhưng việc miễn trừ trách nhiệm phải dựa trên hợp đồng đã ký kết và hành động của các bên khi sự kiện xảy ra. Nghĩa vụ bồi thường phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có tuân thủ các quy định trong hợp đồng cũng như có đảm bảo chứng minh được đã thực hiện những hành động cần thiết hay không.

Tranh chấp sau thiên tai: câu chuyện thực tế phức tạp

Như đã đề cập, không phải mọi thiên tai như bão đều mặc nhiên được công nhận là sự kiện bất khả kháng. Trong nhiều trường hợp, tranh chấp có thể phát sinh do các bên có cách hiểu khác nhau về sự kiện bất khả kháng hoặc có mâu thuẫn trong việc thực hiện nghĩa vụ khi sự kiện xảy ra.

Một ví dụ điển hình là tranh chấp giữa một công ty logistics (bị đơn) và một công ty chế tạo ô tô (nguyên đơn) về thiệt hại do bão Maysack gây ra vào tháng 9-2015. Bão Maysack đã gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, bao gồm cả container và hàng hóa của công ty logistics, khiến chúng bị ngập nước biển. Vì vậy, công ty bảo hiểm của nguyên đơn sau đó yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị hư hỏng, trong khi bị đơn cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng gây ra bởi bão Maysack.

Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cho rằng bão Maysack đã được dự báo từ trước và Bị đơn không thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại, do đó không được coi là sự kiện bất khả kháng. Tranh chấp này cho thấy các công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả bồi thường nếu thiệt hại không phải do bão trực tiếp gây ra mà là do sự thiếu chuẩn bị của doanh nghiệp (**).

Từ vụ việc trên có thể thấy quan điểm của cơ quan tài phán đã thể hiện một cách rõ ràng rằng việc một cơn bão hay một sự kiện thiên tai tương tự có được xem là sự kiện bất khả kháng và được xem xét miễn trừ trách nhiệm hay không? Điều này phụ thuộc vào việc bên bị ảnh hưởng đã có những hành động cần thiết để giảm thiểu thiệt hại của cơn bão hay chưa và đã có thông báo kịp thời cho đối tác của mình hay những nghĩa vụ khác trong hợp đồng hay chưa?

Trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão nhưng hoàn toàn không có bất kỳ hành động nào để giảm thiểu thiệt hại, khả năng bị từ chối như trong vụ việc trên là rất lớn.

Tóm lại, các vấn đề pháp lý phát sinh sau những thiên tai như bão Yagi hay Maysack là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo quyền lợi cho các bên, việc chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp sẵn sàng đối phó với các sự cố sau thiên tai mà còn đảm bảo rằng quyền lợi của họ được bảo vệ một cách kịp thời và toàn vẹn nhất.

Doanh nghiệp cần làm gì khi rơi vào tình huống bất khả kháng vì thiên tai?

Để giảm thiểu các tranh chấp pháp lý phát sinh sau những sự kiện bất khả kháng như bão Yagi, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý ngay từ giai đoạn ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp cần chú trọng đến các điều khoản về sự kiện bất khả kháng, đảm bảo rằng chúng được định nghĩa rõ ràng và chi tiết, đồng thời quy định cụ thể các bước xử lý như thông báo, bồi thường hoặc miễn trừ trách nhiệm.

Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hợp đồng để đảm bảo đáp ứng các điều kiện miễn trừ trách nhiệm hoặc yêu cầu bảo hiểm.

Cụ thể, doanh nghiệp nên thực hiện các bước sau:

  • Thứ nhất, thông báo kịp thời cho đối tác và các bên liên quan bằng văn bản, nêu rõ tình trạng và cung cấp các bằng chứng về thiệt hại. Việc chậm trễ có thể khiến doanh nghiệp mất quyền miễn trừ trách nhiệm.
  • Thứ hai, doanh nghiệp cần phải rà soát lại các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết để xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong trường hợp gặp phải sự kiện bất khả kháng. Điều này giúp tránh những hiểu lầm không đáng có giữa các bên và đảm bảo rằng doanh nghiệp hành động đúng theo quy định của hợp đồng.
  • Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng về thiệt hại gặp phải để đảm bảo yêu cầu miễn trừ trách nhiệm được chấp nhận khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Các bằng chứng này bao gồm các báo cáo thiệt hại, hình ảnh, video và bất kỳ tài liệu nào chứng minh mối liên hệ giữa thiệt hại và sự kiện bất khả kháng.
  • Thứ tư, xây dựng kế hoạch dự phòng cho các rủi ro thiên tai, bao gồm các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bảo vệ tài sản và an toàn cho nhân viên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn chứng minh doanh nghiệp đã nỗ lực tối đa để ngăn ngừa thiệt hại.
  • Thứ năm, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp từ các luật sư hoặc chuyên gia pháp luật trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến sự kiện bất khả kháng. Những chuyên gia này có thể giúp doanh nghiệp đánh giá tình hình, cung cấp lời khuyên phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, và hỗ trợ trong quá trình đàm phán hoặc giải quyết tranh chấp.

————————————–

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(**) Ngô Khắc Lễ. (2023). “Tranh chấp về bão có phải là bất khả kháng?”. Vietnam Logistics Review. Truy cập lần cuối qua link: https://vlr.vn/tranh-chap-ve-bao-co-phai-la-bat-kha-khang-15065.htmlhai-la-bat-kha-khang-15065.html vào ngày 17-9-2024.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả