Bán sách giáo khoa: Các doanh nghiệp lãi "đậm" hay đi ngang?
Theo kienthuc.net, nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh sách giáo khoa vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Công bố cho thấy, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm của ngành này đi ngang so với cùng kì năm ngoái.
Giá SGK tăng cao
Theo khảo sát của PV, tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, (khoảng 19.000 đồng/cuốn); bộ SGK cũ chi có giá 54.000 đồng (khoảng 9.000 đồng/cuốn). Các bộ SGK lớp 2 mới có giá từ 179.000-186.000 đồng/bộ, (khoảng 18.000 đồng/cuốn), bộ SGK cũ có giá 53.000 đồng... Điều đáng nói là mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK, có nhiều bộ SGK, nhưng giá sách không giảm mà thực tế đang tăng.
Một nguyên nhân khác khiến cho giá SGK tăng cao một phần do chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023, chiết khấu với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Theo các chuyên gia, phí phát hành hay gọi là tiền “hoa hồng” bán SGK (SGK) 29%, sách bài tập lên đến 35% là con số rất lớn. Không kiểm soát chặt chẽ, các nhà xuất bản tìm mọi cách bán được nhiều sách và không ai khác, chính phụ huynh, học sinh sẽ phải chịu thiệt khi mua sách “cõng” giá “hoa hồng”.
PGS.TS Định Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, mức chiết khấu phát hành sách từ lâu đã trở thành quy định bất thành văn trong trong hoạt động xuất bản nói chung. Tuy nhiên với mặt hàng đặc thù, phổ biến như SGK, tất cả các gia đình có con đi học đều bắt buộc phải mua thì mức chiết khấu từ 21-25% như hiện tại là quá cao. Điều này làm cho giá SGK trên thực tế sẽ bị “đội” lên và phần hoa hồng phải chi trả cho công tác phát hành này cuối cùng người mua vẫn phải gánh.
PGS.TS chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, nếu xét trên yếu tố vì lợi ích của người học, rõ ràng, học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Khi đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao, người dân ở khu vực nông thôn,miền núi còn rất khó khăn, việc tăng giá SGK gấp 2-3 lần như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ. Do đó, SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ cả về giá lẫn cách thức phát hành SGK vì đây là mặt hàng đặc biệt. Trong các năm qua dư luận luôn có ý kiến về giá SGK mới cao gấp nhiều lần so với SGK cũ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích, thực tế để phí chiết khấu bán sách lên cao trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị quản lý giáo dục. Dù là xã hội hóa nhưng cơ quan quản lý phải có những quy định xem họ làm thế nào, báo cáo ra sao để chấn chỉnh. Trong khi, các năm học phụ huynh kêu các nhà trường bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo nhưng cuối cùng các loại sách đó không sử dụng đến thành mớ giấy lộn, lãng phí tiền của người dân rất lớn.
Doanh nghiệp bán sách lãi "đậm"?
Theo báo Lao Động, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Bình Thuận (mã chứng khoán: BST) đạt 82 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, đi ngang so với 9 tháng đầu năm 2022.
Năm 2023, BST đặt kế hoạch doanh thu đạt 104 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,8 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý, doanh nghiệp này đã hoàn thành được 79% mục tiêu doanh thu và 90% chỉ tiêu lợi nhuận.
Công ty Cổ phần In sách giáo khoa tại Thành phố Hà Nội (mã chứng khoán: TPH) báo doanh thu 9 tháng gần 35 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đó. Lãi ròng 1,2 tỷ đồng, xấp xỉ với mức lãi của 9 tháng đầu năm 2022.
Với kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 34 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Sau 9 tháng, TPH đã vượt kế hoạch doanh thu và hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận.
SGK có giá bán ngày càng tăng cao? |
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Bình Định (mã chứng khoán: BDB) ghi nhận doanh thu sau 3 quý đầu năm 2023 gần 52 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Doanh thu sụt giảm khiến doanh nghiệp này báo lãi sau thuế chưa đến 800 triệu đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2022 BDB lãi gần 1tỷ đồng.
BDB đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 78 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,75 tỷ đồng. Thế nhưng sau 9 tháng, BDB mới chỉ hoàn thành được 67% chỉ tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Trường học TP Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: STC) ghi nhận doanh thu hơn 194 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán sách và sản phẩm in đạt 135 tỷ đồng, doanh thu bán thiết bị giáo dục đạt 51 tỷ đồng, doanh thu hoạt động giảng dạy 7,5 tỷ đồng,...
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt hơn 332 tỷ đồng. Lãi trước thuế tăng 5% lên gần 12 tỷ đồng và thực hiện được 67% mục tiêu lợi nhuận năm.
Công ty Cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (Fahasa, mã FHS) công bố ghi nhận doanh thu bán hàng 1.430 tỷ đồng trong quý III. Giá vốn thấp hơn và ít bị trả lại hàng giúp cho lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 344 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp đạt gần 24%.
Lũy kế 9 tháng doanh thu bán hàng tăng lên mức 3.261 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 20% đạt gần 47 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận