Băn khoăn nợ xấu của tân binh UPCoM Nam Á Bank
Sàn giao dịch UPCoM sắp đón thêm tân binh trong lĩnh vực ngân hàng là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank). Theo kế hoạch, ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phần Nam Á Bank sẽ lên sàn UPCoM với mã NAB và giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phần.
Đáng lưu ý, dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Nam Á Bank còn tồn tại các khoản nợ đã bán cho các tổ chức kinh tế và phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này.
Các khoản nợ “biệt phái”
6 tháng đầu năm 2020, Nam Á Bank ghi nhận nhiều khởi sắc từ hoạt động huy động vốn và tín dụng. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng đạt 77.005 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 83.067 tỷ đồng, tăng 17,42% so với cuối năm 2019. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Nam Á Bank đạt 105.713 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm. Bên cạnh đó, cuối tháng 9/2018, Nam Á Bank đã sạch nợ tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Về tỷ lệ nợ xấu, con số này tính đến cuối quý II/2020 là 2,97%, gần sát với mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 3%. Tuy nhiên, Nam Á Bank vẫn tồn tại các khoản nợ đã bán cho các tổ chức kinh tế khác nằm trong mục “tài sản có khác” trên báo cáo tài chính. Tính đến cuối quý II/2020, giá trị khoản mục này là 3.764 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng và làm tròn). So với tổng tài sản 105.713 tỷ đồng cùng thời điểm, quy mô “tài sản có khác” chiếm khoảng 3,56%. Còn so với giá trị dư nợ thị trường 1 (cho vay khách hàng) là 77.005 tỷ đồng thì chiếm gần 4,9%.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mục “tài sản có khác” của Nam Á Bank cuối quý II/2020 là khoản “phải thu từ mua bán nợ” với giá trị 1.428 tỷ đồng. So với giá trị dư nợ thị trường 1, con số này chiếm tới 1,85%. Chiếm tỷ trọng lớn như vậy, nhưng thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, đây là khoản phải thu phát sinh từ việc bán các khoản nợ cho một tổ chức kinh tế mà không cho biết cụ thể chất lượng tốt, xấu của các khoản nợ này ra sao.
Nam Á Bank có vốn điều lệ 3.890 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (14,16%) và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Toàn (5%).
Thực tế, Nam Á Bank vẫn phải trích lập dự phòng 190 tỷ đồng cho từng món nợ cụ thể đã bán trên theo nhóm nợ thực tế tại ngày 30/6/2020.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, đây có thể là nghiệp vụ ngân hàng bán nợ cho đối tác để xử lý hộ. Qua đó sẽ giúp điều chuyển cho vay khách hàng sang “tài sản có khác”, làm tăng chất lượng dư nợ…
Hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận
Trong khi đó, chi phí hoạt động của Ngân hàng là 717 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Nam Á Bank đạt 477,5 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, từ 44,4 tỷ đồng lên 276,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 của Nam Á Bank chỉ đạt 200,9 tỷ đồng, bằng 45% so với con số 443,2 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (1.000 tỷ đồng) mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận