Bản chất các khoản phải thu khác khiến TVB phải lập dự phòng 70% là gì?
CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB) công bố báo cáo kiểm toán 2023 với lãi ròng 63 tỷ đồng - 1 năm khấm khá so với số lỗ hơn 317 tỷ đồng vào năm trước. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán vẫn còn một số điểm chưa đẹp, đơn vị kiểm toán tiếp tục lưu ý về khoản phải thu khoảng 480 tỷ đồng, đã được trích lập gần 336.5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
Đây là các khoản phải thu hợp đồng mua bán chứng khoán do TVB ký kết với 3 doanh nghiệp là CTCP Xây dựng Đầu tư Mạnh Cường, CTCP Phát triển Đầu tư Việt Bắc và CTCP Tư vấn Đầu tư Vĩnh Thành. Công ty đã trích lập tổng cộng 70% với các khoản phải thu này.
Điểm sáng là năm 2022, khoản mục này bị đơn vị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, trong khi báo cáo 2023 chỉ lưu ý ở mục “Vấn đề khác”.
Thuyết minh các khoản phải thu của TVB trên báo cáo kiểm toán 2023
Nguồn: TVB
Theo thuyết minh, các hợp đồng TVB ký kết với 3 công ty kể trên nhằm chuyển tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư có khả năng mang lại lợi tức cao thông qua việc tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu căn bản các loại chứng khoán. Công ty sẽ hưởng phí dịch vụ 0.5% trên giá trị chứng khoán giới thiệu thành công, thời hạn hợp đồng là 1 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo, các khoản phải thu này đều đã quá hạn thanh toán theo điều khoản hợp đồng.
Đáng chú ý, việc đàm phán và ký kết hợp đồng với các công ty này do các cá nhân trong ban lãnh đạo cũ của Công ty trực tiếp thực hiện nên ban lãnh đạo hiện tại đã đánh giá thận trọng khả năng thu hồi và quyết định dự phòng với giá trị bằng toàn bộ khoản phải thu.
TVB cũng cho biết thêm, tới ngày lập báo cáo kiểm toán 2023 (tháng 4/2024), Công ty đã nhận được 14 tỷ đồng thanh toán từ các đối tác nêu trên.
Số dư được trích lập dự phòng với giá trị là 126.5 tỷ đồng đã được đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các đối tác bằng tài sản của các bên liên quan là các cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, thuộc sở hữu của ông Phạm Thanh Tùng và Công ty TNHH Một thành viên Tùng Trí Việt.
Tìm hiểu thêm về 3 doanh nghiệp kể trên, có thể thấy một số điểm liên kết với nhau.
Cả 3 doanh nghiệp này được thành lập vào thời điểm khá gần nhau - từ cuối năm 2021 - với số vốn 100 tỷ đồng. 3 doanh nghiệp đăng ký chung một số điện thoại 02437224999, dù có trụ sở ở 3 địa chỉ khác nhau.
Đối với Tư vấn Đầu tư Vĩnh Thành, Công ty thành lập tháng 12/2021 với 3 cổ đông sáng lập là Nguyễn Phương Linh (40% vốn), Lê Đặng Thành (20% vốn) và Đỗ Thị Hồng Hạnh (40% vốn). Cổ đông Lê Đặng Thành (sinh năm 1993) nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Xây dựng Đầu tư Mạnh Cường thành lập tháng 11/2021. 3 cổ đông sáng lập là Hoàng Quân (20% vốn), Hoàng Văn Quân (40% vốn) và Nguyễn Thị Hằng (40% vốn). Cổ đông Hoàng Quân (sinh năm 1991) giữ chức Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Về phần Phát triển Đầu tư Việt Bắc, Công ty thành lập tháng 11/2021. Cổ đông sáng lập gồm Hoàng Văn Quân (20% vốn), Đặng Thị Quỳnh Vân (40% vốn) và Nguyễn Thị Hằng (40% vốn). Trong đó, cổ đông Hoàng Văn Quân và Nguyễn Thị Hằng cũng chính là cổ đông góp vốn vào Xây dựng Đầu tư Mạnh Cường.
Ở Phát triển Đầu tư Việt Bắc, cổ đông Hoàng Văn Quân (sinh năm 1995) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Người viết tổng hợp
Quay lại báo cáo tài chính của TVB, số dư của khoản mục Khoản phải thu khác tăng mạnh từ quý 3/2022 - từ 5 tỷ đồng cuối quý trước đó lên 356 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 486 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tới cuối quý 2/2023, TVB mới bắt đầu thực hiện dự phòng suy giảm các khoản phải thu này với giá trị tương đương giá trị hiện tại.
Ngược dòng thời gian, có thể thấy trong quá khứ, khoản mục phải thu khác của TVB có giai đoạn biến động theo sóng hình sin với biên độ mở rộng dần từ năm 2019 đến 2021. Thuyết minh báo cáo của TVB không có nhiều thông tin về các khoản phải thu khác này.
Một điểm đáng chú ý khác là số dư các khoản phải thu khác thường được thu hẹp về cuối quý 2 và quý 4. Do đó, báo cáo soát xét bán niên và kiểm toán năm của TVB cũng không thể hiện nhiều.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2019 - 2021, TVB không phải thực hiện dự phòng cho các khoản phải thu này, khác với thời điểm năm 2023.
Mốc sự kiện nổi bật ở TVB thời điểm này là hồi tháng 12/2022, ông Phạm Thanh Tùng - cựu Chủ tịch TVB bị khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land, CTCP Chứng khoán Trí Việt. Theo kết quả xử sơ thẩm vụ án, ông Phạm Thanh Tùng bị phạt 3 năm tù treo, thử thách 5 năm.
Những dữ kiện trên gợi ra câu hỏi về một nghiệp vụ tài chính đã được thực hiện liên tục tại TVB. Giả sử nếu cựu Chủ tịch Phạm Thanh Tùng không dính vòng lao lý, liệu các hợp đồng như với 3 doanh nghiệp kể trên có được ký kết mới và khoản phải thu khác của Công ty sẽ lại chạy theo đồ thị hình sin?
Thêm một câu hỏi: dòng tiền chuyển ra khỏi TVB có quay trở lại và không phải trở thành khoản thu có khả năng mất vốn như hiện tại?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận