Bamboo Capital lên kế hoạch lợi nhuận tăng đột biến hơn 300%
Năm nay, Bamboo Capital dự kiến doanh thu thuần đạt 5.375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 806,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 289,76% và 302,7% so với thực hiện trong năm 2020.
Đây là mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi Bamboo Capital được thành lập, cao gấp 4 lần kết quả kinh doanh năm 2020.
Chào bán 148,77 triệu cổ phiếu bổ dung vốn điều lệ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG; HoSE: BCG) diễn ra vào ngày 15/5, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty BCG cho biết, trong năm 2020, kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh hợp lý, Tập đoàn BCG đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2020 với doanh thu thuần đạt 1.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 266,4 tỷ đồng. So với kế hoạch, BCG vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Sang năm 2021, BCG đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu thuần 5.375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 806,4 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 190% về doanh thu và 203% về lợi nhuận. Trong đó, phần lớn doanh thu với 4.030 tỷ đồng dự đến từ lĩnh vực bất động sản; 3.203,5 tỷ đồng từ lĩnh vực xây dựng và thương mại; 1.156,6 tỷ đồng lĩnh vực năng lượng; 300 tỷ đồng lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp; 323,7 tỷ đồng lĩnh vực khác; các khoản giảm trừ doanh thu là 3.638,7 tỷ đồng.
Không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, ông Tuấn cho biết, BCG còn triển khai các dự án với tiến độ thần tốc, đạt mục tiêu các dự án năng lượng tái tạo, M&A hàng loạt dự án bất động sản có vị trí đắc địa.
Với những kế hoạch đạt được, năm nay, BCG sẽ tiến hành chia cổ tức với tỷ lệ 10%, bao gồm 8% tiền mặt và 2% cổ phiếu. Cổ tức 2020 dự kiến được trả trong quý 2 hoặc quý 3/2021. Năm 2021, BCG đặt mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 12%.
Ngoài ra, BCG cũng lên kế hoạch chào bán 148,77 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp, thời gian dự kiến trong quý 3/2021. Số tiền BCG dự kiến huy động được sau đợt chào bán này hơn 1.785 tỷ đồng, dùng để bổ sung vào vốn lưu động của doanh nghiệp. Cũng trong năm 2021, BCG dự kiến chào bán thêm 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung vốn lưu động.
Ngoài ra, chiến lược phát triển năm nay của BCG sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng năng lượng để tăng tổng tài sản, hướng tới mục tiêu sản lượng phát điện trong danh mục từ 2.000MW vào năm 2025. Ở mảng bất động sản, BCG tiếp tục hoàn thiện xây dựng các dự án King Crown Village, Mailibu Hội An, triển khai dự án King Crown Infinity và Amor Riverside Villa, Casa Marina Premium, Hoian D’or...
Chưa kịp đóng điện các dự án điện gió trong năm nay
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tiến độ, những vướng mắc của các dự án điện gió ở Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng mà BCG đang xây dựng, trong trường hợp xấu nhất nếu không kịp đóng điện trước ngày 11/11/2021 để kịp giá Feed-in-tariff (gọi tắt là FiT) thì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu lợi nhuận cho năm nay và năm sau như thế nào?
Đại diện lãnh đạo BCG cho biết, đối với các dự án điện gió, Quyết dịnh 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/10/2021, hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn về mức giá bán sau thời gian hết hiệu lực.
Khi thực hiện những dự án này, BCG cũng đã đánh giá, khảo sát về địa hình, địa chất, xin giấy phép chính thì hiện tại các dự án của BCG chưa phù hợp để phát triển trước ngày 31/10 do các điều kiện đấu nối và các trạm biến áp do EVN xây dựng vẫn chưa sẵn sàng để cho dự án kết nối.
Chính vì vậy, BCG sẽ xây dựng và kết nối vào khoảng cuối quý II/2022 và một phần vào năm 2023. Như vậy, các dự án của BCG sẽ không kịp giá FiT theo Quyết định 39. Tuy nhiên, “chúng tôi tin rằng Chính Phủ sẽ có những động thái để hỗ trợ các nhà đầu tư điện gió vì tính chất phức tạp của quá trình phát triển dự án và giá FiT sẽ không có gì thay đổi lớn giữa năm 2021 và năm 2022”.
Về khả năng thực hiện các dự án điện gió, đại diện cho biết, khó khăn của BCG đang gặp phải cũng là khó khăn chung của ngành. Nghĩa là, ở Việt Nam phần lớn các dự án điện gió chủ yếu nằm ở ngoài khơi, và tất cả các dự án điện gió ngoài khơi đều chậm tiến độ bởi việc thi công các dự án ở trên biển không phải đơn giản, công nghệ thi công hiện tại chủ yếu thực hiện theo phương pháp cọc nhồi thi công. Do vậy, nhiều dự án không chỉ của BCG mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải kéo dài hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
“Khi nhìn nhận được vấn đề này, BCG đã đề ra những chiến lược cụ thể để ứng phó”, đại diện BCG nói và đưa ra bốn chiến lược cụ thể: Thứ nhất, BCG đã sử dụng mô hình tổng thầu với các đơn vị tổng thầu có kinh nghiệm quốc tế, có năng lực thi công và có khả năng huy động các phương tiện lớn như sà lan, cần cẩu... những phương tiện đang rất khó huy động trên thị trường;
Thứ hai, qua nhìn nhận thị trường năng lượng tái tạo, thì đó là câu chuyện “nước nổi, bèo nổi”, giá FiT cao thì giá thi công và đồng thời giá thiết bị cũng cao. Do vậy, BCG đã đánh giá tiến độ của các trạm biến áp của EVN và đường dây của EVN để đấu nối vào các đường dây của các dự án BCG, nên BCG đã quyết định lùi thời gian thi công ra ngoài “vùng nóng” để giảm tổng mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả dự án.
Thứ ba, các dự án BCG cũng sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến nên thời gian thi công sẽ nhanh hơn so với cách xây dựng truyền thống và đồng thời cũng đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về điện gió nên chắc chắn chất lượng của các dự án này sẽ tốt;
Thứ tư, về năng lực thi công, công ty Tracodi (thành viên của BCG) là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng dân dụng, BCG tận dụng năng lực của Tracodi trong một số cấu phần của dự án để kiểm soát tiến độ và chất lượng xây dựng tốt hơn.
Báo cáo tài chính quý I/2021 vừa công bố mới đây, BCG lãi 163 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể doanh thu thuần trong quý I đạt gần 634 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 203,5 tỷ đồng tăng 167% so với quý 1/2020.
Trong quý I/2021, hoạt động tài chính mang về cho Bamboo Capital 313 tỷ đồng cao gấp gần 6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó BCG ghi nhận tới 127 tỷ đồng lãi đầu tư cổ phiếu trái phiếu và 162 tỷ đồng lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Sau khi trừ các khoản chi phí, BCG lãi sau thuế 162,7 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 8,3 tỷ đồng của quý 1/2020, lãi suất sau thuế của công ty mẹ đạt gần 118 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng cao, BCG cho biết doanh thu tăng mạnh do các dự án vào giai đoạn bàn giao, lợi nhuận từ hoạt động M&A tại một số dự án bất động sản tiềm năng, đồng thời các dự án năng lượng tái tạo cũng bắt đầu đóng góp nguồn thu ổn định từ 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận