Bamboo bay thẳng tới Mỹ, nhớ lại câu nói 'cứ đi rồi sẽ thành đường' của tỷ phú Trịnh Văn Quyết
Cứ đi rồi sẽ thành đường, câu nói của Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết xem ra đã ứng nghiệm và giấc mơ bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ không còn xa xôi nữa mà đã thành hiện thực.
"Cứ đi rồi sẽ thành đường" - câu nói đó được người đứng đầu hãng hàng không Bamboo Airways phát ngôn vào đầu tháng 8/2019 cùng với lời hứa hẹn "gặp các bạn trên các chuyến bay trực tiếp tới Mỹ của Bamboo Airways từ năm tới" khi nói về đường bay thẳng tới Mỹ.
So với kế hoạch, Bamboo Airways đã "delay" khoảng 1 năm mới "chạm" tới đất Mỹ, nhưng đó cũng là điều dễ hiểu khi đại dịch COVID-19 lan rộng, tác động khủng khiếp tới cả Mỹ và Việt Nam.
Dấu mốc 19h50 tối ngày 23/9, giờ Mỹ (9h50 sáng 24/9, giờ Việt Nam), tức sau 13 giờ 34 phút bay, chiếc Boeing 787-9 Dreamliner mang tên "Quy Nhơn City" đã thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên chặng Việt Nam - Mỹ và hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế San Francisco. "Cứ đi rồi sẽ thành đường" và Bamboo Airways đã vẽ được một cung đường đẹp tới Mỹ với biết bao dự cảm tốt đẹp ở phía trước.
"Sau chỉ 13 tiếng 34 phút bay (ngắn hơn đáng kể so với thời gian dự kiến), chiếc Boeing 787-9 mang tên "Quy Nhơn City" của Bamboo Airways cất cánh từ Hà Nội đã hạ cánh an toàn tại San Francisco (Mỹ), hoàn thành tốt đẹp chuyến bay thẳng không dừng đầu tiên Việt - Mỹ. Khoảnh khắc rất cảm xúc với chúng tôi", Chủ tịch Bamboo Airway - ông Trịnh Văn Quyết không giấu được cảm xúc vui mừng.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways hy vọng, chuyến bay thẳng không điểm dừng (non-stop) đầu tiên Việt - Mỹ cũng như các chuyến bay thẳng không dừng thương mại định kỳ/thường lệ sắp tới của Bamboo sẽ góp phần khiến thương mại, du lịch, dịch vụ... giữa hai quốc gia ngày càng thêm thuận tiện và nhộn nhịp, cũng như góp phần mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho thương mại, du lịch, dịch vụ Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thực tế, trước khi "Quy Nhơn City" hạ cánh xuống sân bay San Francisco, Bamboo Airways cũng đã trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên ký hợp tác 4 bên gồm thành phố Los Angeles (Mỹ), Hiệp hội Du lịch và Sự kiện Los Angeles (LATCB), Sân bay quốc tế Los Angeles và Bamboo Airways, về việc phát triển đường bay thẳng không dừng từ Việt Nam đi Los Angeles. Bamboo Airways cũng trở thành đối tác thương mại chính thức của thành phố Los Angeles sau sự kiện này.
Vị chủ tịch Bamboo Airways cũng tiết lộ: "Ngay trong tháng 10/2021, Bamboo Airways sẽ có chuyến bay thẳng không dừng đầu tiên kết nối TP.HCM với Los Angeles - thành phố lớn nhất bang California (bang đông dân nhất Hoa Kỳ và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới)".
Thực ra, ngay từ năm 2019, Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết - khi đó vừa tròn một tuổi, chưa khai thác bất kỳ chặng bay quốc tế nào, đã chọn Tân Sơn Nhất - Los Angeles, bang California (Mỹ) là chặng bay thẳng (non-stops) tới Mỹ. Ngay từ thời điểm đó, đại diện hãng cũng khẳng định sẽ xin chứng nhận khai thác an toàn để có thể bay thẳng đến Mỹ với thời gian tối ưu nhất là 15 giờ.
Hơn ai hết, lãnh đạo Bamboo Airways thừa biết rằng, Sân bay quốc tế Los Angeles và Sân bay quốc tế San Francisco là hai sân bay bận rộn nhất của bang California - Mỹ. Đây cũng là hai sân bay xếp thứ nhất và thứ hai với sản lượng khách trung bình lần lượt khoảng 70 triệu/năm và 40 triệu/năm. Trên toàn nước Mỹ, xét về lượng khách, Sân bay quốc tế Los Angeles đang đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các sân bay đông đúc nhất. Sân bay quốc tế San Francisco đứng ở vị trí thứ bảy. Ngoài ra, đây cũng là hai sân bay lớn nhất khu vực vịnh San Francisco, với mạng lưới bay đến khắp châu Mỹ và là cửa ngõ chính đến châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Có thể nói, mở được đường bay trực tiếp đến Mỹ tạo cho Bamboo Airways nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung khẳng định thương hiệu tầm quốc tế, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các cường quốc và các nước trên thế giới.
Trước đây, khi kế hoạch bay thẳng tới Mỹ của Bamboo Airways được công bố, đã có không ít những nghi ngờ về khả năng "Bamboo Airways khó chạm tới đất Mỹ". Có ý kiến còn cho rằng nếu tiềm năng thì các hãng bay của Mỹ đã bay thẳng về Việt Nam, đâu cần các hãng bay Việt Nam tham gia khi Mỹ thừa máy bay. Nếu nhu cầu về Việt Nam nhiều, các hãng bay Mỹ sẽ bay thẳng về Việt Nam và bay chiều ngược lại. Nhưng với sự kiện chiếc Boeing 787-9 mang tên "Quy Nhơn City" của Bamboo Airways cất cánh từ Hà Nội và hạ cánh an toàn tại San Francisco (Mỹ) đã đập tan mọi nghi ngờ. Đây có thể nói cũng là sự kiện đáng nhớ của ngành Hàng không Việt Nam giữa lúc đại dịch COVID-19 đang khiến các hãng hàng không điêu đứng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách Hoa Kỳ tới Việt Nam duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn 2009 -2014 và có dấu hiệu tăng nhanh kể từ sau năm 2014 tới 2019. Là thị trường đứng thứ 5 tại Việt Nam, nhưng trong số khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam thì trên 80% là người Mỹ gốc Việt với mục đích thăm thân là chính. Lượng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam còn rất thấp.
Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2017 là 88.500 lượt và năm 2018 là khoảng 100.000 lượt, chưa vượt quá 1% tổng lượng khách Việt Nam ra nước ngoài. Đây là con số khá khiêm tốn trong bối cảnh lượng khách outbound của Việt Nam đang tăng nhanh (đạt khoảng 10 triệu năm 2018).
Tuy nhiên, hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt - Mỹ đang gia tăng không chỉ làm tăng lượng khách đi máy bay hai chiều mà còn làm xuất hiện thêm các loại hình tour du lịch mới. Các công ty du lịch, lữ hành đánh giá, thời gian tới, khi đại dịch được kiểm soát, tour du lịch Mỹ sẽ phát triển nhanh do hiện nay chính phủ Mỹ đang triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ du khách Việt trong thủ tục visa cũng như cơ hội làm ăn với nước này.
Ngoài hợp tác kinh tế và du lịch, một lượng khách cố định quan trọng nữa cho đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ là Việt kiều và du học sinh, dự kiến sẽ tăng nhanh. Số liệu năm 2017 ghi nhận, có đến hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Hoa Kỳ, chiếm 3% trên tổng số 44,5 triệu người nhập cư và trở thành nhóm dân ngoại quốc lớn thứ 6 trong toàn nước Mỹ.
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng thị trường hàng không Mỹ - Việt là rất lớn, với khoảng trên 800 nghìn lượt khách đi lại mỗi năm, trong khi chỉ cần khoảng trên 30 nghìn lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay.
Về mặt kỹ thuật, việc bay thẳng tới Mỹ đòi hỏi các hãng hàng không phải có những tàu bay hiện đại như Boeing 787-9 hay Airbus A350 hiện đại thân rộng, có khả năng bay chặng đường dài khoảng hơn 13 giờ bay liên tục.
Về mặt tài chính, điều quan trọng nhất là giải bài toán làm thế nào để có lãi? Trả lời câu hỏi này không hề dễ dàng khi mà trước đó, lãnh đạo một hãng hàng không sừng sỏ từng chia sẻ: “Nếu bay thẳng tới Mỹ sẽ lỗ trong khoảng 5-10 năm đầu, mức lỗ có thể lên tới 30 triệu USD”.
Bỏ qua những nghi ngờ, tỷ phú Trịnh Văn Quyết từng tự tin khẳng định rằng, trong trường hợp BambooAirways đi thuê Boeing 787-9 để khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ thì hoàn toàn có thể có lãi.
Chủ tịch Bamboo Airways từng nhẩm tính tổng cộng chi phí thuê máy bay, nhiên liệu, chi phí kỹ thuật, mỗi chuyến bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ tiêu tốn của hãng 113 tỷ đồng/tháng cho một máy bay Boeing 787-9 với tần suất khai thác 17 chuyến mỗi tháng. “Nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng”, ông Quyết nói.
Mặc dù Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định rủi ro là vẫn có (như về lượng vé bán ra hay về biến động giá nhiên liệu), tuy nhiên người đứng đầu Bamboo Airways vẫn tự tin vào đường bay thẳng tới Mỹ sẽ có lãi.
"Cứ đi rồi sẽ thành đường", câu nói của Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết xem ra đã ứng nghiệm và giấc mơ bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ không còn xa xôi nữa mà đã thành hiện thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận