Australia thắng lợi trong "trận chiến" thương hiệu mật ong manuka với New Zealand
Các nhà sản xuất mật ong Australia vừa giành được chiến thắng tại Anh cho cuộc tranh chấp kéo dài suốt 4 năm qua với New Zealand về thuật ngữ “manuka” in trên các nhãn hiệu mật ong thương mại.
Hiệp hội Mật ong Manuka, đại diện cho một nhóm các nhà sản xuất của New Zealand, đã cố gắng ngăn cản những người nuôi ong Australia được bán sản phẩm có nhãn hiệu sử dụng thuật ngữ “manuka” tại Anh và một số quốc gia khác trên toàn cầu.
Họ tuyên bố có quyền sở hữu đối với thuật ngữ này, lập luận rằng manuka là một từ riêng của người thổ dân Maori và là một sản phẩm truyền thống đặc biệt của New Zealand.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài tranh chấp, vào tuần này, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của Anh đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu và cho biết không có bằng chứng nào thể hiện sản phẩm này là độc quyền từ New Zealand.
Hiệp hội Mật ong Manuka của Australia, đơn vị đại diện cho các nhà sản xuất mật ong Australia, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Anh. Đại diện hiệp hội khẳng định sẽ là bất công, cũng như thiệt hại lớn về tài chính, đối các nhà sản xuất mật ong từ Australia, nếu thuật ngữ này được công nhận là thuộc quyền sở hữu riêng của New Zealand.
Ông Paul Callander, Chủ tịch hiệp hội, nói thuật ngữ “manuka” đã được sử dụng tại Australia từ những năm 1800. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, ngành công nghiệp sản xuất mật ong của “xứ chuột túi” đã đầu tư đáng kể cho việc phát triển khoa học, nghiên cứu và tiếp thi, quảng bá mật ong manuka.
Hiệp hội Mật ong Manuka của Australia lý giải "mật ong manuka" là một thuật ngữ thông thường, được sử dụng để mô tả mật ong làm từ cây manuka, được tìm thấy ở cả New Zealand và Australia. Điều này tương đồng với phán quyết của tòa án ở Anh.
Nội dung của phán quyết nêu rõ thuật ngữ “manuka” chủ yếu là để mô tả một loại mật ong đặc trưng, được sử dụng rộng rãi bên ngoài New Zealand. Các bằng chứng tại Anh cho thấy sự hiểu biết của công chúng về thuật ngữ này là dùng để mô tả mật ong có nguồn gốc từ New Zealand và cả ở một số vị trí địa lý khác, cụ thể là Australia.
Ông Callander cho biết phán quyết của tòa án ở Anh sẽ được áp dụng trên nhiều ngành công nghiệp của Australia, trong bối cảnh dự báo thị trường mật ong manuka sẽ đạt giá trị lên tới 1,27 tỷ AUD (902 triệu USD) trên toàn cầu vào năm 2027.
Nhu cầu về mật ong manuka, được làm từ cây leptospermum scoparium, đã bùng nổ trên toàn cầu, nhờ những lợi ích về y tế và sức khỏe đã được nghiên cứu và công bố. Đây là dòng sản phẩm mật ong cao cấp, có thể được bán với giá từ 300-500 AUD/kg (213-355 USD/kg).
Bên cạnh việc đệ đơn kiện Australia lên tòa án ở Anh, các nhà sản xuất mật ong New Zealand cũng đang tìm cách đăng ký nhãn hiệu cho thuật ngữ “manuka” ở Mỹ, châu Âu, New Zealand và Trung Quốc. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào đồng ý cho phép đăng ý nhãn hiệu độc quyền. Dự kiến Văn phòng Sở hữu Trí tuệ New Zealand sẽ công bố kết luận vào đầu năm sau./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận