Apax Holdings của 'Shark' Thủy đang nợ bao nhiêu?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy ('Shark' Thủy) - chủ tịch Tập đoàn Egroup - vừa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Apax Holdings của ông Thủy đang nợ bao nhiêu?
Tại thời điểm bị bắt, ông Thủy vẫn đang giữ vị trí chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC - một phần chủ chốt trong hệ sinh thái Egroup của doanh nhân này).
Theo báo cáo tài chính tự lập của Apax Holdings, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là 4.596 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.589 tỷ đồng. Nợ phải trả 3.076 tỷ đồng, cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm 617 tỷ đồng, vay nợ dài hạn chiếm 1.298 tỷ đồng.
Các khoản vay của IBC lúc đó đã được đảm bảo bằng nhiều tài sản như hợp đồng cầm cố tiền gửi tại ngân hàng, bảo lãnh của các cá nhân ông Nguyễn Mạnh Phú và bà Nguyễn Thị Hương Liên dùng đảm bảo cho khoản vay 6 tỉ đồng năm 2019 tại Ngân hàng Standard Charted;
3 xe ô tô, bất động sản của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax và của các cá nhân gồm bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Nguyễn Ngọc Thủy, ông Lương Văn Phú và bà Nguyễn Thị Điệp đảm bảo cho khoản vay 400 tỷ đồng năm 2020 tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân;
Tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án "Đầu tư mới 50 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Apax", bất động sản và 25 triệu cổ phần IBC thuộc sở hữu của Egroup được dùng đảm bảo cho khoản vay 150 tỷ tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân năm 2017.
Đến năm 2019, IBC lại vay BIDV - chi nhánh Thanh Xuân gần 150 tỷ đồng để cho vay, bảo lãnh thanh toán, mở L/C (thanh toán bằng thư tín dụng) để thanh toán các chi phí thực hiện dự án "Đầu tư mới 45 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn Apax".
Tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án 45 trung tâm, thế chấp bổ sung quyền khai thác kinh doanh các trung tâm Anh ngữ do BIDV tài trợ vốn, đảm bảo chung bằng 10 triệu cổ phần IBC của Apax Holdings hiện được cầm cố cho dự án 50 trung tâm năm 2017.
Ngoài ra, nhiều tài sản khác gồm bất động sản, cổ phần... đều được đưa ra thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Chi phí tài chính theo đó cũng trở thành gánh nặng cho IBC. Năm 2022, chi phí lãi vay của IBC chiếm 161 tỷ đồng, cùng các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khiến IBC lỗ lớn nhất từ trước đến nay (-81 tỷ đồng).
Đến nay, IBC chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022; báo cáo tài chính quý 1, quý 2 và soát xét bán niên 2023; báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Báo cáo tiết lộ tình hình tài chính của IBC mới dừng lại năm 2022 với báo cáo tự lập. Các con số có khả năng thay đổi khi kiểm toán vào cuộc. Chưa kể, việc tái cơ cấu các khoản nợ được thực hiện ra sao trong năm 2023 đến nay chưa được công bố.
Từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của công ty này chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Do đó, HoSE đã hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC từ ngày 6/12/2023.
Dù IBC rời HoSE xuống UPCoM, tuy nhiên vẫn nằm trong diện bị đình chỉ giao dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận