Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Máy móc cũ kỹ, lạc hậu, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (mã HHP) đang đứng trước yêu cầu đầu tư lớn để thay thế, sửa chữa thiết bị cũng như mở rộng quy mô sản xuất.
Thay thế tới 70% giá trị máy móc trong năm 2020
HHP được thành lập vào cuối năm 2012, với số vốn 18 tỷ đồng để mua lại Nhà máy sản xuất Giấy Đức Dương. Đây là nhà máy sản xuất giấy kraft (giấy bao bì), được đưa vào sử dụng từ năm 2009, với công suất 15.000 tấn/năm, nhưng sau đó gặp khó khăn phải ngừng sản xuất, mất khả năng trả nợ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Đến năm 2017, HHP góp vốn vào Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hà Nam (tiền thân là Công ty TNHH Ngọc Hải, thành lập năm 2002) để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì công suất 6.000 tấn/năm tại Hà Nam khi doanh nghiệp này tăng vốn từ 12 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu của HHP tại Hoàng Hà Hà Nam đã tăng lên 80%.
Việc mua lại các nhà máy có sẵn một mặt giúp HHP có thể bắt tay ngay vào sản xuất, không tốn thời gian đầu tư xây dựng (thường mất đến vài ba năm), mặt khác lại mua được tài sản với mức giá hấp dẫn trong giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, với việc các nhà máy đã đầu tư từ giai đoạn 2010 trở về trước và sau hơn 10 năm hoạt động, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, HHP đối mặt với nhu cầu phải thay thế, sửa chữa thiết bị khá lớn bên cạnh nhu cầu đầu tư mở rộng công suất.
Năm qua, HHP đã thanh lý 23,1 tỷ đồng máy móc thiết bị, tương đương 42% giá trị máy móc, thiết bị còn lại tại thời điểm đầu năm. Trước đó, vào năm 2019, Công ty đã thanh lý giá trị máy móc, thiết bị 56,1 tỷ đồng, tương đương 2/3 giá trị còn lại của máy móc, thiết bị tại thời điểm đầu năm 2019.
Tăng vay nợ, không trả cổ tức bằng tiền
Tính chung cả năm 2020, tổng dòng tiền đầu tư của HHP là 74,26 tỷ đồng, gấp 3,3 lần mức thặng dư của dòng tiền kinh doanh. Hệ quả là Công ty phải bù đắp bằng việc gia tăng sử dụng nợ vay 76,8 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 2017 - 2019, dòng tiền của Công ty hầu như không có thặng dư khi phải liên tục tăng vốn lưu động theo giá trị các khoản phải thu và thặng dư. Để giải tỏa áp lực vốn, Công ty liên tục tiến hành các đợt chào bán huy động vốn vào các năm 2017 (62,7 tỷ đồng) và 2019 (65 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ vay và thuê tài chính của HHP là 190,3 tỷ đồng, chiếm 38,1% nguồn vốn và tăng 42,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 82,7%. Trong khi đó, nguồn tiền dự trữ khá mỏng khi giá trị khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng vẻn vẹn 1 tỷ đồng.
Dư nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của HHP trong năm 2020 tăng 24,1% so với 2019 dù mặt bằng lãi suất đã giảm. Chi phí lãi vay đã chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mang lại. Dòng tiền chi trả lãi vay tương đương hơn 55% dòng tiền hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy gánh nặng chi phí lãi vay khá lớn mà HHP đang phải chịu, tương ứng với rủi ro lớn nếu tình hình kinh doanh khó khăn hơn.
Việc không có nguồn lực thặng dư, nhu cầu vốn đầu tư vào tài sản và vốn lưu động lớn cũng khiến nhiều năm qua, HHP không chi trả cổ tức cho cổ đông dưới hình thức tiền mặt. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới khi nhu cầu vốn đầu tư được đánh giá sẽ còn lớn.
Cụ thể, HHP hiện đang tiến hành dự án di dời và mở rộng công suất nhà máy tại Hải Phòng lên 100.000 tấn/năm theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 và 2020 thông qua với tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng, tương ứng gấp gần 2,5 lần tổng nguồn vốn của Công ty đến cuối năm 2020. Lễ động thổ dự án vừa được HHP tổ chức vào ngày 31/12/2020.
Để huy động vốn cho dự án này, Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 12/2020 của HHP đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần và 900.000 cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phần. Dù vậy, có thể thấy, tổng số tiền 109 tỷ đồng dự kiến huy động từ đợt phát hành vẫn quá nhỏ so với quy mô dự án mới.
Trước đó, HHP đã có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Hoàng Hà Hà Nam với giá trị ước tính thu về 48 tỷ đồng (4,8 triệu cổ phần, giá thoái dự kiến 10.000 đồng/cổ phần). Tuy nhiên, Hội đồng quản trị sau đó đã hủy phương án thoái vốn này, khi Hoàng Hà Hà Nam thương thảo góp vốn vào Công ty cổ phần Hoàng Hà Phú Yên để đầu tư nhà máy giấy 100.000 tấn/năm tại Phú Yên.
Triển vọng kém hấp dẫn
Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của HHP cho biết, Công ty đạt 479,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30,2% so với thực hiện 2019, vượt 3,3% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 21,7 tỷ đồng, tăng 36,5%, trong đó phần lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 20,46 tỷ đồng, vượt 6,8% kế hoạch đề ra.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp giấy, bao bì nói chung và HHP nói riêng trong năm 2020 thuận lợi hơn dự kiến nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì tốt tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong quá trình cung ứng nguyên vật liệu khiến giá giấy kraft liên tục gia tăng.
Số liệu của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, giá giấy kraft xuất khẩu đã tăng trên 5% mỗi tháng trong quý IV/2020 và giá giấy cả lớp mặt và lớp sóng đến cuối năm đều đạt trên 400 USD/tấn, cao hơn 20% so với vùng đáy Covid-19 vào tháng 5/2020.
Theo HHP, sau khi giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ quý III/2020, giá giấy kraft đã tăng trở lại nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Công ty đã đẩy mạnh kinh doanh thương mại các sản phẩm giấy sóng, giấy nguyên liệu, giấy phế liệu thu mua trong nước để tăng doanh thu.
Nếu như xu hướng gia tăng giá đầu ra giúp các doanh nghiệp sản xuất giấy hưởng lợi trong nửa cuối 2020 nhờ tồn kho được nguồn nguyên liệu giá thấp trước, thì bước sang năm 2021 điều này lại đang ẩn chứa nhiều rủi ro nếu xu hướng giá giấy đảo chiều, tương ứng với nguyên liệu đầu vào giá cao trong khi giá bán đầu ra giảm.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, giá thùng carton cũ (OCC, nguyên liệu sản xuất giấy kraft) tăng chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở 3 khu vực xuất khẩu chính là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu làm ảnh hưởng đến nguồn cung OCC tại châu Á; tình trạng thiếu container ở các tuyến vận tải trong châu lục khiến cước vận tải tăng đã mang tính truyền dẫn sang giá OCC.
Tuy vậy, theo BVSC, nếu tình hình Covid-19 ở các nước khác được kiểm soát tốt, cước vận tải biển quay trở lại bình thường sau Tết âm lịch và quan trọng nhất là Trung Quốc ngưng nhập OCC sẽ khiến giá loại nguyên liệu này giảm trở lại trong nửa cuối năm 2021.
Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của HHP năm 2020 lần lượt là 4,9% và 9,8%.
Về dài hạn, áp lực cạnh tranh trong ngành sản xuất giấy nguyên liệu làm bao bì được đánh giá ngày càng gia tăng, với việc nhiều doanh nghiệp trong nước như Đông Hải Bến Tre, Giấy Tân Mai… và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Tập đoàn Cửu Long, Lee&Man, Cheng Loong… đều đang có các dự án đầu tư mở rộng công suất.
Mặc dù phần lớn sản lượng giấy của các doanh nghiệp FDI được đánh giá phục vụ mục tiêu xuất khẩu, nhưng trong trường hợp xuất khẩu không thuận lợi hoặc công suất xuất khẩu dư thừa, các doanh nghiệp FDI có thể đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp nội địa.
Trở lại với HHP, kết thúc năm 2020 với doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng, qua đó ghi nhận mức tăng trưởng năm thứ ba liên tiếp kể từ sau khi niêm yết trên sàn HNX. Tuy vậy, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn năm 2020 khá thấp, lần lượt là 4,9% và 9,8%. Năm 2021, các chỉ số này dự báo sẽ giảm xuống khi Công ty tiến hành một loạt động thái tăng vốn, đầu tư quy mô lớn làm gia tăng mạnh tài sản, nguồn vốn nhưng nhà máy mới chưa đóng góp vào kết quả kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường