'Anh cả' một thời của ngành thép thua lỗ, dự án nghìn tỷ vẫn dở dang
Chín tháng đầu năm, 'anh cả' một thời của ngành thép Tisco lỗ trước thuế 193 tỷ đồng; trong khi đó, 6.400 tỷ đồng khác vẫn bị 'chôn' tại dự án mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II.
"Anh cả" ngành thép một thời, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu đạt 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, giá vốn chiếm tỷ trọng lớn khiến lãi gộp của Tisco còn 34 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các chi phí trong kỳ chiếm tỷ trọng lớn, bao gồm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng lần lượt 14% (43 tỷ đồng) và 36% (49 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Do đó, Tisco lỗ trước thuế 57 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 23 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Tisco đạt 6.789 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp lỗ trước thuế 193 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồng.
Với kết quả này, Tisco còn cách rất xa mục tiêu có lãi 39 tỷ đồng trong năm nay.
Theo Tisco, năm 2023, tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt là xung đột địa chính trị kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở mức độ khó lường. Do đó, Tisco cũng đề nghị cổ đông uỷ quyền cho HĐQT trong trường hợp cần thiết chủ động xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế để đạt mục tiêu hiệu quả.
Hết quý III, tổng tài sản của Tisco tăng 5% so với đầu năm lên mức 10.691 tỷ đồng. Trong đó, hơn 6.543 tỷ đồng vẫn đang nằm dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II.
Báo cáo của Tisco cho hay, tính tới cuối tháng 9, tổng giá trị đầu tư của dự án Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II đạt 6.530 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.317 tỷ. Như vậy, chi phí phát sinh trong 9 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là khoản chi phí lãi vay vốn hóa này.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 13/10 cổ phiếu TIS đạt 4.400 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Thông tin giao dịch
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index tăng 3,12 điểm (+0,27%) lên 1.154,73 điểm, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,26%) lên 239,05 điểm, UpCOM-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%) lên 87,9 điểm.
Theo CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), sau giai đoạn tăng điểm khá tốt của thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm, giá nhiều nhóm cổ phiếu tăng hàng chục % khiến sự hấp dẫn về "giá rẻ" không còn. Kèm theo mức P/E của VN-Index đã ở quanh mức 13 lần (kết phiên 13/10), ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng so với đáy khoảng hơn 10 lần vào cuối tháng 11/2022.
Vì vậy, lực cầu từ phía nhà đầu tư nội khó trở nên mạnh mẽ cộng hưởng yếu tố bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (trái ngược với động thái tích cực mua ròng cổ phiếu vào tháng 11-12/2022) khiến thị trường đang đi vào giai đoạn điều chỉnh và tích lũy lại nền tảng với mức định giá phù hợp.
Chứng khoán VNDirect dự đoán, đà tăng điểm của thị trường tiếp tục được duy trì trong những phiên đầu tuần khi tâm lý của nhà đầu tư trở nên tích cực hơn sau diễn biến điều chỉnh của DXY và đà phục hồi của thị trường tài chính quốc tế.
Áp lực tỷ giá hiện nay chỉ mang tính thời điểm và sẽ không làm đảo ngược xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm rất sâu và bằng mức đáy của thời điểm Covid-19 và các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn thì kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên của dòng tiền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận