8 điểm sáng của kinh tế Việt Nam đầu năm 2021
Theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng cao, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam sẽ khó phục hồi nhanh theo chữ V mà sẽ đi lên từ từ, "chậm nhưng chắc" theo hình chữ “U”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, dưới tác động của đại dịch Covid–19, kinh tế thế giới năm 2020 đã bước vào đợt suy thoái sâu. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới hơn 200 năm qua, thậm chí, còn khủng khiếp hơn đại quy thoái từ năm 1921 – 1933 của thế kỷ trước.
Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), năm 2020, kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng âm -3,5 đến - 4%. Hơn 96% quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Thu nhập bình quân đầu người giảm 6%, trong khi đó, đại suy năm thoái 1921 – 1933 chỉ giảm 5%.
Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh, sau đó đến sản xuất, xây dựng và nông nghiệp.
Về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, theo ông Lực, điều này còn phụ thuộc vào 3 điều kiện là khả năng kiểm soát dịch, tiêm vacxin trên diện rộng, hiệu quả của các gói hỗ trợ kinh tế từ chính phủ và hợp tác quốc tế.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh song song với quá trình cứu nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Cuộc đua nghiên cứu và sản xuất vacxin vẫn đang tiếp diễn và đạt nhiều kết quả khả quan.
Trong khi đó, sau thời gian dịch bệnh, người dân và doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm sống và làm việc trong bối cảnh "bình thường mới".
Mặt khác, đại dịch Covid-19 mặc dù có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn thế giới nhưng tiềm lực của các quốc gia rất mạnh, thời gian vừa qua, Chính phủ nhiều nước và Ngân hàng thế giới đã có nhiều biện pháp nhanh và mạnh mẽ hơn.
"Khả năng cao, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ khó phục hồi nhanh theo chữ V nhưng sẽ lên từ từ "chậm nhưng chắc" theo hình chữ “U” hoặc "Swoosh" – logo Nike. Khả năng tăng trưởng kinh tế phục hồi không bền vững theo hình chữ “W”, hoặc không thể phục hồi theo hình chữ “L” là rất thấp", ông Lực nhận định.
Sau đợt suy thoái sâu năm 2020, kinh tế thế giới sẽ hồi phục trong năm 2020 với mức tăng trưởng dương +4 - 5,5%. Lạm phát năm 2021 sẽ tăng lên mức 2,3% từ mức 2% của năm 2020.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn do dịch bệnh Covid-19, việc thiếu vai trò lãnh đạo toàn cầu, thiếu đoàn kết giữa các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế và chống dịch.
Cùng với đó là những thách thức lớn đến từ chiến tranh thương mại, công nghệ, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, khó lường khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán biến động mạnh và khó đoán hơn.
8 điểm sáng
Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương 2,91% trong năm 2020.
Theo ông Lực, bức tranh kinh tế Việt Nam trong cả năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 vừa qua vẫn duy trì được 8 điểm sáng. Dự báo tăng trưởng GDP có thể nên tới 6,5 - 7% trong năm 2021.
Điểm sáng thứ nhất, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán, song với kinh nghiệm chống dịch hiệu quả, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động của đời sống xã hội đã trở lại bình thường.
Thứ hai, hoạt động bán lẻ tiếp tục tăng trưởng khá. Hai tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước
Thứ ba, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Thứ tư, xuất - nhập khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại duy trì thặng dư. Trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 95,85 tỷ USD, tăng 24,6% với cùng kỳ năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7%, tương ứng tăng 9,35 tỷ USD và nhập khẩu đạt 47,11 tỷ USD, tăng 25,5%, tương ứng tăng 9,56 tỷ USD.
Thứ năm, lạm phát tăng trở lại nhưng trong tầm kiểm soát. CPI tháng 02/2021 tăng 1,58% so với tháng 12/2020 và tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Thứ sáu, giải ngân đầu tư công và vốn FDI khởi sắc ngay từ đầu năm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 7,2% và tăng 17,9%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/02/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do tháng 2 trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 cùng với đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số tỉnh khiến tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại, đồng thời chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9% so với kế hoạch năm.
Thứ bảy, mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, tỷ giá cơ bản ổn định và thứ tám, thị trường chứng khoán tăng khá và thị trường bất động sản đang phục hồi.
Với những yếu tố trên, ông Lực dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khả quan trong năm 2021.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó, thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh. Khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, nhưng quá trình triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ còn chậm.
Mặt khác, nợ xấu tăng và rủi ro hoạt động tăng, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do để phát triển kinh tế chưa thực sự hiệu quả.
Trong bối cảnh mới, xu hướng mới của thế giới và trong nước sau dịch bệnh, ông Lực cho rằng, thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp là rất lớn. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh "bình thường mới" của toàn xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào bốn yếu tố: người lao động, quản lý tài chính, khách hàng và đối tác để tích cực đổi mới, sáng tạo trong mô hình, chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu để tăng khả năng chống chịu với những cú sốc lớn từ bên ngoài.
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần được tái cơ cấu lại, thay đổi sản phẩm theo nhu cầu mới của khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái của riêng mình và tham gia vào các chuỗi giá trị xản xuất toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận