“700.000 tỷ nhàn rỗi, sử dụng một nửa cũng giải quyết được bài toán tiền hỗ trợ cho nền kinh tế”
TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, gói kích thích kinh tế sẽ không bơm tiền mới.
Theo dự kiến, kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra vào đầu năm 2022. Một trong 4 nội dung dự kiến được dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường này đó là Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đề cập về việc xây dựng chương trình kích thích kinh tế, tại cuộc họp mới đây (10/12), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ đầu tư kỹ lưỡng hơn, chuẩn bị lại gói chính sách tài khóa tiền tệ đúng mục tiêu hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế chứ không chỉ mở rộng đầu tư công.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho biết: Tới đây, khi có chương trình hỗ trợ kích thích kinh tế mới, nên lấy chính sách tài khóa làm chủ đạo, có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ. Trong chính sách tài khóa, cần tăng phần chi hơn là việc giãn thuế, giảm thuế - giải pháp này rất ít tác dụng
Đề cập chi tiết hơn, theo vị chuyên gia này, trong ngắn hạn, mục tiêu vẫn là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về mặt y tế, và kinh tế. Ưu tiên cho chi y tế, đảm bảo an ninh xã hội cho người dân và lao động.
Về dài hạn, mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế đáp ứng các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này chuyển dần từ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, tức là từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch. Hướng tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh bền vững. Điểm cuối cùng là tập trung vào đầu tư công.
Không phải cứ hỗ trợ là bơm tiền mới
Trước đó, trong gợi ý chính sách của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhóm nghiên cứu này đề xuất chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, quy mô lên tới 843.845 tỷ đồng (10,38% GDP) theo giá trị công bố. Giá trị công bố là giá trị danh nghĩa ví dụ như các khoản giãn hoãn thuế, phí, đầu tư vào doanh nghiệp của SCIC…. Cuối cùng, người dân, doanh nghiệp phải trả lại. Còn giá trị thực tế là khoản thực chi, theo đó khoản thực chi trong tổng gói hỗ trợ 843.845 tỷ đồng là 445.760 tỷ đồng.
Trong đó, chính sách tài khóa chiếm vai trò chủ đạo, khoảng 678.395 tỷ đồng, tương đương 8,34% GDP năm 2021; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8% GDP), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (chiếm 0,16%GDP), chính sách khác là 37.650 tỷ đồng (0,46% GDP). Ngoài ra, sẽ có khoảng 50.000 tỷ (khoảng 0,6% GDP) đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp.
Nêu quan điểm tại cuộc đối thoại chuyên đề với chủ đề "Chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức - TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, gói kích thích kinh tế sẽ không bơm tiền mới. Thậm chí nếu có mới thì việc phát hành trái phiếu sẽ nhằm vào các nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường.
"Câu chuyện của những người thiết kế gói kích thích hiện nay là họ đang muốn làm sao để chuyển đổi lượng tiền thực tế đã bơm ra nhưng chưa được sử dụng để nó quay trở về đúng mục tiêu, là đi vào các dự án về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… Điều này cũng giải quyết được bài toán rủi ro lạm phát", ông Hào đánh giá.
Dẫn một ý kiến về thông tin 700.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi được Nhà nước huy động đang gửi tại ngân hàng chưa tiêu đến, chỉ cần một nửa số tiền trên được sử dụng thì chúng ta cũng giải quyết được bài toán tiền hỗ trợ cho kinh tế năm 2022-2023, vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc hỗ trợ rồi bơm thêm tiền theo cách nghĩ thông thường không phải giải pháp mà Chính phủ lựa chọn. Đây cũng là điểm khác biệt với những gì mà chúng ta đã từng thấy trong giai đoạn 2008-2009 – theo ông Hào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận