7 kinh nghiệm giúp nhà quản lý nâng cao kỹ năng đứng trước ống kính
Trong chiến lược Video Marketing, sự xuất hiện của nhà quản lý hoặc chủ doanh nghiệp là một yếu tố giúp gia tăng thêm uy tín và niềm tin cho nội dung video được sản xuất. Tuy nhiên, để tự tin xuất hiện trước ống kính đòi hỏi nhà quản lý cần trải qua một quá trình trau dồi và rèn luyện nhất định. Trong nội dung bài viết dưới đây, mời các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu 7 kinh nghiệm nhỏ nhưng rất thiết thực giúp nhà quản lý nâng cao kỹ năng này nhé!
7 kinh nghiệm giúp rèn luyện sự thoải mái và tự tin trước máy quay
Trước khi tìm cách khắc phục, chúng ta phải biết được nguyên nhân khiến bản thân bị lúng túng khi đứng trước ống kính. Sở dĩ thiếu đi cảm giác thoải mái là vì trong các cảnh quay một mình, chúng ta thường mặc định máy quay là một món “đồ vật” theo đúng nghĩa đen. Điều này khiến bộ não liên tưởng như đang nói chuyện với một vật vô tri vô giác. Để khắc phục, trước tiên bạn hãy tưởng tượng camera như một người thật – khách hàng, đối tác hay một người thân. Lúc này, kết hợp cùng 7 kinh nghiệm sau đây, nhà quản lý sẽ có thể cải thiện cách nói chuyện trước máy quay với một phong thái hoàn hảo nhất.
1. Chú ý tư thế khi quay
Đa số chúng ta khi bắt đầu quay video đều mong muốn câu từ trong lúc nói sẽ mượt mà, trôi chảy, nhưng đó chưa phải là yếu tố nên quan tâm đầu tiên. Tư thế thoải mái mới là kỹ năng thể hiện trước ống kính tiên quyết.
Khi tiếp xúc với máy quay, nhà quản lý có dáng điệu khúm núm, khom lưng hay rụt rè thì thực sự bạn đang giúp người xem có lý do để rời khỏi video ấy. Không hẳn tất cả mọi người đều mắc tình trạng trên, nhưng một số là do thói quen sinh hoạt, đi đứng hằng ngày và bạn chỉ vô tình làm nó trong vô thức.
Để khắc phục, các bạn nên tập luyện chỉnh sửa tư thế thường xuyên, khi quay cần thiết nên đứng (ngồi) thẳng lưng, ngực hơi hướng về phía trước. Lúc này, ngực và cơ hoành của bạn mở rộng, lưu lượng khí vào phổi tốt giúp việc lấy hơi nói cũng trở nên dễ dàng. Bạn cũng có thể giữ tư thế thoải mái nhất miễn sao luôn giữ vai thẳng trong lúc nói và hướng tập trung ánh nhìn vào chủ thể chính.
2. Hiểu nội dung mình nói
Khi sở hữu một tư thế chuẩn để sẵn sàng bước vào set quay, việc tiếp theo là xác định những gì bạn cần nói. Nỗi lo khiến chúng ta thiếu tự tin khi ghi hình là sợ quên nội dung cần trình bày.
Nhiều người có thói quen viết sẵn kịch bản mình sẽ trình bày và học thuộc. Điều này không xấu, thế nhưng việc có sẵn lời khiến bạn dễ bị phụ thuộc vào kịch bản, thậm chí có thể nói một cách máy móc, mất kiểm soát hoặc căng thẳng nếu lỡ quên, gây mất tự nhiên.
Thay vào đó, một kinh nghiệm là chuẩn bị trước những nội dung này bằng các ý đầu dòng. Đặc biệt, với bất kỳ nội dung nào, dù là quản lý nhiều am hiểu với lĩnh vực đó, bạn vẫn cần nghiên cứu và chuẩn bị kỹ trước ngày quay. Theo phương pháp này, bạn sẽ cảm thấy đảm bảo tự tin với câu chuyện được nói và có thể phát kiến nhiều ý tưởng mới hơn trong diễn giải.
3. Lồng ghép ngôn ngữ cơ thể
Cách nhà quản lý thể hiện bản thân sẽ cho người xem biết nhiều về cảm xúc bên trọng cũng như cảm nhận về vấn đề đang nói đến.
+ Giọng nói
Nói rõ ràng và với tốc độ ổn định. Tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm vì điều đó có thể gây ra một tưởng tượng lo lắng bên trong.
Lo lắng ở đây là nhiều người nói quá nhanh vì họ sợ sẽ quên kịch bản cần nói, dẫn đến không ít trường hợp nói lan man, lặp từ hoặc bỏ sót ý cần trình bày. Nói quá chậm thì lại biến video thành liều thuốc ngủ cho khán giả.
Vì thế âm lượng cùng tốc độ vừa phải, tròn vành rõ chữ và ngắt nhịp câu đúng đắn là cách truyền tải thông điệp tốt nhất. Nhà quản lý cần phải rèn luyện rất nhiều cho kỹ năng nói của mình.
+ Cử chỉ
Sử dụng cử chỉ trên cơ thể có mục đích để nhấn mạnh quan điểm. Tuy nhiên, tránh những cử động bồn chồn hoặc mất tập trung quá mức.
Chẳng hạn, khi nói về chủ đề hướng dẫn các bước để triển khai một hoạt động nào đó, bạn có thể dùng các cử chỉ tay nhẹ nhàng, đơn giản (chẳng hạn đưa 1 ngón cho bước 1; 2 ngón cho bước 2,…) nhằm liệt kê ra những nội dung có ích này.
Còn ví dụ khi đang chia sẻ về những sai lầm trong tiếp thị thường mắc phải thì cử chỉ và thái độ của bạn thường quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhằm chỉ ra cho người xem biết những khuyết điểm này là cần thiết để chỉnh sửa (nếu có).
+ Giao tiếp bằng mắt
Ánh mắt giữ vai trò quan trọng trong lúc diễn đạt. Như đã nói ở cách trước, tập trung ánh mắt vào ống kính máy quay (nếu chỉ có 1 mình bạn là nhân vật) hoặc tập trung vào bạn diễn của mình nếu cảnh quay nhiều người. Nếu thành thục, bạn có thể diễn tả sôi nổi bằng cánh tay và bàn tay tương ứng (thường cuối câu nói nhằm nhấn mạnh ý trọng tâm), nhưng lưu ý không nên quá lạm dụng.
+ Biểu cảm trên khuôn mặt
Duy trì nét mặt dễ chịu, tránh tỏ ra quá nghiêm túc hoặc căng thẳng. Một nụ cười và một chút hài hước sẽ cho khán giả biết rằng chúng ta rất vui khi được chia sẻ kiến thức với họ và giúp mọi người cảm thấy thiện cảm hơn về bạn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng nụ cười trông chân thật, tự nhiên, không quá gượng ép.
4. Đầu tư ngoại hình chỉn chu
Nhiều người khi xuất hiện trước máy quay thường lo âu rất nhiều về ngoại hình. Họ e ngại rằng mặt mình lên hình có đẹp hay trang phục mình mặc có phù hợp hay không?
Để tránh suy nghĩ lo sợ, điều trước tiên là hiểu rõ chủ đề, bối cảnh video thuyết trình để lựa chọn trang phục phù hợp. Không nhất thiết phải là một bộ váy lộng lẫy, hay một bộ vest lịch thiệp, chỉ cần là trang phục thoải mái và không làm xao lãng nội dung chính của buổi quay.
Chẳng hạn bạn chỉ quay tại studio với một chủ đề chia sẻ kinh nghiệm, một chiếc váy tay lửng tông màu nhã nhặn phù hợp cho quản lý nữ, hoặc một chiếc sơ mi, áo polo đóng thùng công sở cho quản lý nam.
Khi cảm thấy hài lòng với bộ đồ mình đang mặc, bạn sẽ dễ dàng thể hiện sự tự tin khi nói hơn. Còn về gương mặt, đừng lo, đội ngũ make up sẽ hỗ trợ bạn xuất hiện trước máy quay với độ tươi tắn thích hợp.
5. Luyện tập nói trước gương
Để có kỹ năng đứng trước ống kính hay đám đông một cách tự tin là điều khó khăn với mọi người, trừ khi bẩm sinh bạn có khả năng đó.
Khi quan sát phòng tập nhảy của những vũ công, chúng ta đều thấy có gắn những tấm gương xung quanh, đó là cách để những người tập nhảy tự nhìn và đánh giá động tác mình có chuẩn hay chưa, có đều hay không để tự điều chỉnh.
Việc luyện nói cũng vậy, vì là quản lý, bạn sẽ có nhiều hiểu biết về các lĩnh vực hay hoạt động kinh doanh. Bóc tách một chủ đề và thực hành nói chuyện trước gương, chuẩn bị những luận điểm cần nói. Không nên xem thường các buổi tập, những ấp úng thoạt đầu là điều bình thường, nhưng quan trọng là chấp nhận và liên tục rút kinh nghiệm thì chúng ta sẽ ngày càng cải thiện trong việc diễn đạt.
Càng quen với việc nghe chính mình nói mà không ngại ngùng, không bị gián đoạn, bạn sẽ càng cảm thấy dễ dàng và tự nhiên hơn khi đến lúc bắt đầu với ống kính máy quay.
6. Tập thở, thư giãn và uống đủ nước
Kỹ thuật thở hỗ trợ cho khả năng truyền đạt từ ngữ được thuận tiện. Hít thở đúng cách là hít sâu, chậm, nhịp nhàng và được thực hiện thông qua mũi, hít thở sâu bằng bụng chứ không phải miệng.
Khi lấy hơi đúng, bụng sẽ phình ra, còn khi thở thì bụng sẽ xẹp lại. Hiểu rõ điều này rất hữu ích vì nó sẽ giúp bạn lâu đuối sức hơn, tránh đứt hơi khi nói. Ngoài ra, kết hợp liệu pháp thư giãn như thiền, giãn cơ còn tạo tâm trạng tĩnh lặng, tập trung, giảm căng thẳng trong công việc.
Dinh dưỡng đầy đủ trước set quay, uống đủ nước giúp giữ giọng nói tốt, cho phép bạn nói lâu hơn mà hạn chế cổ họng bị khô. Đồng thời, khoa học chỉ ra uống đủ nước giúp giảm thiểu tình trạng bị rít âm các chữ như T, S, Z khi nói (thường gọi là Sibilance).
7. Ghi hình nháp
Dù có nói trôi chảy đến mức nào đôi lúc vẫn có những câu mà từ ngữ trong ngữ cảnh đó không phù hợp và chúng ta sẽ không thể nào kiểm soát hết.
Nếu là một nhà quản lý bận bịu, bạn nên dành khoảng chừng 20 phút để luyện nói hằng ngày, có thể là một điều không có nghĩa hoặc chỉ là câu chuyện tưởng tượng ra. Điều quan trọng khi này là ghi hình lại bằng smartphone, mỗi lần đều như thế vì bạn có thể dùng để nghe lại những gì đã nói, đánh giá, sửa lỗi chính xác hơn. Đừng sợ mắc lỗi vì nó sẽ tạo cảm giác nản chí và mất đi hiệu suất làm việc.
Hơn nữa, những nhà quản lý có thể lưu trữ những video này và so sánh sự thay đổi và tiến bộ của mình sau mỗi lần tập luyện, bao gồm: Tông giọng, cách ngắt nhịp câu, cử chỉ, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể,… Tinh chỉnh từng chút một, bạn sẽ dần làm quen với mỗi chi tiết này và biết cách kết hợp chúng để diễn đạt hiệu quả khi sẵn sàng cho các bước quay trước ống kính chuyên nghiệp.
Tóm lại, kỹ năng đứng trước ống kính máy quay sẽ giúp nhà quản lý khẳng định uy tín và thể hiện năng lực giao tiếp hiệu quả trong video, từ đó thu hút đông đảo người xem và sau đó là khách hàng tiềm năng. Điều quan trọng là các bạn cần kiên trì, cố gắng tôi luyện thật nhiều và chú ý đến các khía cạnh quan trọng khi quay video như tôi đã đề cập trong bài viết. Hi vọng với 7 kinh nghiệm đơn giản sẽ có thể mang lại đột phá lớn cho những nhà quản lý nào đang sẵn sàng trở thành nhân vật chính trong video của mình. Chúc các bạn thành công!
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường