6 cách xây dựng văn hóa biết ơn trong doanh nghiệp
Trong một môi trường làm việc năng động và hiện đại, mọi người đều mong muốn nhận được sự đánh giá cao và coi trọng từ cấp trên hay đồng nghiệp của mình. Lòng biết ơn và tôn trọng lẫn nhau thúc đẩy sự hài lòng và động lực làm việc của nhân viên, đồng thời tạo ra hiệu ứng lan truyền hiệu quả trong tổ chức. Trong bài viết này, cùng tôi tìm hiểu cách tạo ra một văn hóa biết ơn trong doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao tư duy sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn cho nhân viên của bạn.
Vì sao cần thực hành văn hoá biết ơn trong doanh nghiệp?
Lòng biết ơn được cho là có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc về thái độ làm việc của nhân viên. Theo Khảo sát đánh giá nhân viên của tổ chức Glassdoor, có hơn một nửa (53%) nhân viên thừa nhận họ sẽ gắn bó với công ty lâu hơn và gần 81% nhân viên cho biết động lực làm việc của mình sẽ chăm chỉ hơn khi sếp thể hiện sự đánh giá cao đối với công việc của họ.
Một nghiên cứu khác của giáo sư người Mỹ chuyên tâm lý học trong tổ chức – Adam M. Grant và cộng sự cũng chỉ ra rằng nhân viên đạt được thành công hơn 50% khi lãnh đạo thể hiện lòng biết ơn trước những nỗ lực, đóng góp của họ.
Từ những kết quả khảo sát này, có thể thấy sự biết ơn là một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy nguồn động lực hiệu quả. Biết ơn trong kinh doanh mang lại nhiều kết quả tốt, cụ thể:
– Giúp mỗi cá nhân làm việc năng suất: Lòng biết ơn được chứng minh là tăng sự quyết tâm cao độ và hiệu suất làm việc của một người. Hơn nữa, biết ơn giúp tinh thần thoải mái, không phải vướng bận ganh đua, giúp tinh thần luôn lạc quan, ngủ ngon và có năng lượng học tập và làm việc.
– Giúp bán hàng hiệu quả: Lãnh đạo hay nhân viên có tinh thần biết ơn sẽ có những hành động và lời nói chuẩn mực, thân thiện, luôn thu hút được khách hàng tin tưởng, yêu thích. Những cử chỉ chân thành của lòng biết ơn thường giúp lời nói của bạn trở nên thuyết phục hơn, từ đó giúp bán hàng hiệu quả.
– Giữ tinh thần lành mạnh: Một số người có thể từng trải qua căng thẳng, sợ hãi, nản chí trong công việc trong một khoảng thời gian. Lòng biết ơn cho phép mọi người vượt qua những cảm giác tồi tệ này, nghĩ đến những điều tốt đẹp, những thành công, những người đã ủng hộ bạn. Khi đó bạn sẽ có tinh thần thừa nhận và tập trung tìm giải pháp đối mặt những thách thức đang gặp phải.
Có thể thấy việc xây dựng văn hóa biết ơn trong doanh nghiệp mang lại vô vàn lợi ích cần thiết. Vậy làm thế nào để tạo dựng văn hóa biết ơn trở thành thói quen ở mọi nhân viên? Mời các bạn điểm qua 6 cách sau đây nhé!
6 cách xây dựng văn hóa biết ơn cho nhân viên khi làm việc
1. Làm gương cho nhân viên học hỏi
Tinh thần của một tổ chức thường được đặt lên hàng đầu và điều này không khác gì khi nói đến việc nuôi dưỡng văn hóa biết ơn hằng ngày. Trước hết, muốn nhân viên có lòng biết ơn thì lãnh đạo phải thể hiện phẩm chất này và làm gương cho nhân viên học hỏi.
Những nhà lãnh đạo thể hiện và nêu gương về lòng biết ơn trong hành động và tương tác sẽ cung cấp một hình mẫu hữu hình để cấp dưới noi theo. Những hành động này liên quan đến việc thể hiện sự đánh giá cao một cách cởi mở, ghi nhận những đóng góp và thể hiện sự khiêm tốn.
Như doanh nhân W. Clement Stone đã từng nói:
“If you are really thankful, what do you do? You share.”
(Tạm dịch: Nếu thực sự có lòng biết ơn, bạn sẽ làm gì? Hãy chia sẻ đến với mọi người)
Việc tạo một tinh thần luôn biết ơn liên tục sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn tổ chức, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của mọi người có liên quan.
Ví dụ: Khi nhân viên đóng góp hết mình cho công việc hay hoàn thành một nhiệm vụ được giao, điều mà lãnh đạo nên làm là dành sự biết ơn, ghi nhận trước những thành quả mà họ thực hiện, dù cho kết quả là tốt hay xấu. Điều này giúp nhân viên cảm thấy lạc quan, thoải mái hơn và dành một sự tôn trọng nhất định đến lãnh đạo, khuyến khích họ nhìn theo mà học hỏi, mài giũa tinh thần biết ơn khi cư xử với mọi người xung quanh.
2. Dành lời khen ngợi
Những lời khen ngợi, nếu chân thành và cụ thể, có sức mạnh nâng đỡ tinh thần các cá nhân và nhóm làm việc, góp phần đáng kể xây dựng một môi trường làm việc và học tập tích cực. Văn hóa biết ơn không chỉ là những lời khen chung chung những thành tích mà còn là việc dành thời gian để chú ý, khen ngợi trước tập thể và nói rõ những phẩm chất, nỗ lực của một ai đó nên được làm gương.
Những lời khen ngợi thường xuyên đóng vai trò là công cụ tạo động lực, nâng cao tinh thần và khơi gợi lòng tự hào mà nhân viên đã nỗ lực cố gắng hoàn thành trách nhiệm. Khen ngợi nhân viên và khuyến khích nhân viên chúc mừng lẫn nhau khi có đồng nghiệp đạt được thành tích trong công việc cũng tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, thi đua lành mạnh. Công nhận không chỉ từ trên xuống mà còn giữa các nhân viên ngang hàng với nhau, khi một cá nhân được công nhận, tôn vinh, họ sẽ có tinh thần làm việc, phấn đấu để đạt được thành tích tốt hơn.
3. Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tích cực là một nền tảng khác của việc xây dựng văn hóa biết ơn tại nơi làm việc. Trong môi trường kinh doanh và giáo dục phát triển nhanh chóng, nơi giao tiếp diễn ra ngắn gọn, súc tích nhanh chóng, thì nghệ thuật lắng nghe tích cực thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, thực sự lắng nghe và hiểu người khác là một hình thức đánh giá sâu sắc và tạo cầu nối cảm xúc hiệu quả. Khi các nhà lãnh đạo và đồng nghiệp tích cực lắng nghe lẫn nhau, về những ý tưởng, quan điểm, mong ước hay cả những lời góp ý, điều đó truyền đạt cảm giác về sự cởi mở và tôn trọng.
Lắng nghe tích cực còn gắn liền với văn hóa niềm tin khi làm việc. Khi một người sẵn sàng chia sẻ quan điểm bản thân, bạn cần đặt cảm xúc và lòng tin để cảm nhận, không nên nghi ngờ, phán xét mà cần đánh giá khách quan sự việc. Đủ lòng tin, kiên nhẫn để lắng nghe không phải là điều dễ thực hiện với tất cả mọi người, nhưng với một nhà lãnh đạo, nó lại là một trang bị lợi hại để kết nối đội ngũ vững mạnh.
Lắng nghe có chủ đích và rèn luyện cho những nhân viên của mình thường xuyên là giải pháp nên làm. Khi đạt đến được một khả năng nhất định, chúng ta sẽ thấy vô vàn những lợi ích nhận được, đặc biệt là trong việc thấu hiểu được “Insight khách hàng” để bán hàng đúng mục tiêu.
4. Cảm ơn chân thành đến những người đã giúp đỡ
Đi cùng với lời khen ngợi, hai từ tuy đơn giản nhưng có tác dụng truyền cảm sâu sắc “Cảm ơn”. Dành lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ đã đóng góp vào sự thành công của một dự án, nhiệm vụ hoặc sáng kiến là một trong những kim chỉ nam để xây dựng văn hóa biết ơn trong doanh nghiệp.
Lòng biết ơn, để có ý nghĩa, còn phải vượt ra ngoài hình thức đơn thuần. Văn hóa cảm ơn là sự thừa nhận thực sự về thời gian, công sức và chuyên môn mà các cá nhân đầu tư. Sự bày tỏ lời cảm ơn có thể tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau và lãnh đạo có thể truyền đạt cho cấp dưới. Đó có thể là gửi Email cảm ơn hoặc lời tuyên dương và cảm ơn công khai trong một cuộc họp nhỏ.
Hay bất kể một giao tiếp hằng ngày trong một đội ngũ, khi nhận được sự giúp đỡ dù cho có nhỏ nhoi, chúng ta cũng nên đền đáp bằng lời cảm ơn vui vẻ, điều quan trọng là đảm bảo rằng đó là lòng biết ơn chân thành từ tận đáy lòng, từ đó có tác động thúc đẩy mối quan hệ hòa hiếu giữa các thành viên trong tổ chức.
5. Dành tặng những món quà đặc biệt
Như đã đề cập trước đó, ngoài lời nói và cử chỉ, những biểu hiện hữu hình hơn của lòng biết ơn, chẳng hạn như tặng những món quà đặc biệt, có thể nâng cao hơn nữa văn hóa của lòng tri ân, biết ơn và củng cố uy tín mạnh mẽ.
Những món quà không cần quá xa hoa, cầu kỳ nhưng phải chu đáo và phù hợp với sở thích, nhu cầu của người nhận. Quà tặng không mang ý nghĩa vật chất mà đóng vai trò là lời nhắc nhở về giá trị đóng góp của nhân viên, hay của khách hàng mang lại cho tổ chức doanh nghiệp, tạo ra tác động lâu dài đến tinh thần và sự gắn kết.
Ưu tiên thực hành văn hoá biết ơn, vào các dịp lễ đặc biệt trong năm như ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, HomeNext Academy sẽ tổ chức một bữa tiệc thân mật cùng các phần quà nho nhỏ để bày tỏ lòng biết ơn với những đóng góp của chị em phụ nữ. Thông qua bầu không khí vui vẻ, tất cả mọi người sẽ được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời cũng tạo không gian gần gũi và thời gian phục hồi năng lượng mới để trở lại làm việc hiệu quả hơn.
6. Biết ơn đến những khách hàng và đối tác
Khi làm kinh doanh, chúng ta quan niệm “khách hàng là thượng đế”. Việc duy trì quan hệ khách hàng bền vững tạo nhiều lợi thế trong kinh doanh vì bạn có được những khách hàng trung thành với thương hiệu. Và để mối quan hệ đôi bên trở nên khăng khít, lòng biết ơn đến khách hàng là yếu tố cần được bày tỏ.
Những phương thức thể hiện lòng biết ơn đến khách hàng cũng tương tư như cách mà lãnh đạo thể hiện với nhân viên. Đó có thể là:
– Thông qua gửi tin nhắn Email Workflow: Tin nhắn điện tử thay lời cảm ơn khách hàng đã sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp cũng đủ gây ấn tượng và làm hài lòng khách hàng tin dùng.
– Thông qua giao tiếp trực tiếp hay quà tặng: Vào những buổi gặp gỡ thân mật, talkshow hay các dịp lễ đặc biệt, bạn có thể chuẩn bị quà tặng để gửi đến những khách hàng thân thiết, kèm theo đó là các ghi chú viết tay về lời “Cảm ơn” khách hàng đã dùng sản phẩm/dịch vụ trong thời gian qua, sự tin tưởng mà mọi người đã dành cho thương hiệu.
Ngoài ra, lòng biết ơn còn thể hiện qua việc tôn trọng sự gắn kết chặt chẽ và hợp tác giữa nhà cung ứng, đối tác chiến lược trong các hoạt động, đặt ra những cam kết và mối liên hệ hữu nghị để cùng phát triển.
>> Nếu bạn cần thiết lập văn hóa cho công ty mới khởi nghiệp thì các bài viết sau sẽ hữu ích với bạn:
– Xây dựng văn hóa cho các doanh nghiệp Startup
– Lựa chọn font văn hóa phù hợp khi khởi nghiệp
Kết luận
“Lòng biết ơn có thể làm tất cả những ngày thường thành lễ tạ ơn, làm các công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi cơ hội bình thường thành phước lành” – William Arthur Ward.
Với 6 cách chia sẻ từ bài viết, tôi hy vọng các bạn – những nhà lãnh đạo và quản lý sẽ xây dựng được một nền văn hóa biết ơn trong doanh nghiệp hiệu quả, sâu rộng, tạo một môi trường làm vui vẻ, năng động và tích cực. Chúc các bạn thành công!
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường