3 công ty con của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sắp hủy đăng ký giao dịch
Mới đây, 3 công ty con do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sở hữu trực tiếp 51% vốn, đang giao dịch trên UPCoM, là Đường sắt Hà Lạng (HLR), Đường sắt Hà Hải (HHR) và Đường sắt Vĩnh Phú (DSV) đồng loạt nhận được quyết định từ HNX về việc hủy đăng ký giao dịch.
Ngày 07/06, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của CTCP Đường sắt Hà Lạng (UPCoM: HLR). Theo đó, 1.65 triệu cp HLR sẽ hủy đăng ký giao dịch từ ngày 02/07, tương ứng ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 01/07. Lý do HNX đưa ra là HLR hủy tư cách công ty đại chúng.
Thực tế, việc hủy tư cách đại chúng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 của HLR thông qua. HLR được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận đăng ký công ty đại chúng theo văn bản ngày 15/04/2016, nhưng theo các quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019 thì lại không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.
Cụ thể, vốn điều lệ hiện nay của HLR chỉ 16.5 tỷ đồng, thấp hơn mức 30 tỷ đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán.
HLR cũng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển từ công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành CTCP, không thuộc trường hợp thông qua đăng ký với UBCKNN theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Chứng khoán thì Công ty không bị hủy tư cách đại chúng, trừ trường hợp ĐHĐCĐ có quyết định khác. Mặt khác, theo khoản 2 Điều 38 Luật Chứng khoán quy định, sau 1 năm kể từ ngày không còn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Chứng khoán mà Công ty vẫn không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng thì UBCKNN xem xét hủy tư cách công ty đại chúng.
Trong tài liệu đại hội, HLR trình bày rõ: “Công ty nhận thấy ít nhất trong khoảng thời gian 1 năm tới, Công ty chưa có khả năng tăng vốn điều lệ đạt mức 30 tỷ đồng trở lên để đảm bảo điều kiện là công ty đại chúng. Hơn nữa, sau 7 năm hoạt động với vai trò là công ty đại chúng và tham gia thị trường chứng khoán (UPCoM), giá trị cổ phiếu thấp nên chưa thu hút được nhà đầu tư lớn”.
CTCP Đường sắt Hà Lạng tiền thân là Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng, là công vụ đoạn Phù Lạng Thương được thành lập từ tháng 3/1955. Sau nhiều năm hoạt động, ngày 30/10/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt cổ phần hóa với vốn điều lệ 16.5 tỷ đồng. Ngày 28/11/2016, cổ phiếu HLR giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM với giá tham chiếu 10,000 đồng/cp. Tính đến ngày 11/06, mỗi cổ phiếu HLR có giá 14,500 đồng.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra với CTCP Đường sắt Hà Hải (UPCoM: HHR) khi nhận quyết định hủy đăng ký giao dịch vào ngày 04/06. Theo đó, 1.38 triệu cp HHR (vốn điều lệ 13.8 tỷ đồng) sẽ hủy đăng ký giao dịch từ ngày 28/06, tương ứng ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 27/06.
Trong tờ trình về việc hủy tư cách công ty đại chúng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua có nêu: “Trên thực tế, Công ty không có khả năng tăng vốn điều lệ đạt mức 30 tỷ đồng trở lên để đảm bảo điều kiện là công ty đại chúng. Mặt khác, giá trị cổ phiếu trên sàn UPCoM của Công ty thấp nên không thu hút được nhà đầu tư và gần như không có giao dịch”.
CTCP Đường sắt Hà Hải tiền thân là Đoạn công vụ trực thuộc Tổng cục đường sắt (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) được thành lập tháng 8/1945. Qua nhiều năm hoạt động và nhiều lần đổi tên, đến ngày 07/01/2016, chính thức hoạt động theo mô hình CTCP, sau đó có phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 17/02/2017 với giá tham chiếu 10,500 đồng/cp. Nhưng đến thời điểm 11/06, mỗi cổ phiếu HHR chỉ có giá “trà đá” 500 đồng.
Còn với trường hợp của CTCP Đường sắt Vĩnh Phú (UPCoM: DSV), gần 1.23 triệu cp DSV sẽ hủy đăng ký giao dịch từ ngày 14/06, tương ứng ngày giao dịch cuối cùng 13/06, sau khi nhận quyết định của HNX ngày 22/05 trước đó.
Việc hủy tư cách đại chúng cũng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DSV thông qua, nhưng khác với HLR và HHR, DSV chỉ trình bày lý do là không đủ mức vốn điều lệ 30 tỷ đồng theo Luật Chứng khoán, cụ thể chỉ gần 12.3 tỷ đồng.
CTCP Đường sắt Vĩnh Phú có tiền thân là Công vụ đoạn Việt Trì thành lập ngày 22/12/1955. Ngày 30/10/2015, Công ty được GTVT phê duyệt phương án cổ phần hóa, sau đó không lâu đến ngày 02/12/2016, cổ phiếu DSV giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM với giá tham chiếu 10,000 đồng/cp. DSV hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sắt, bao gồm vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
DSV là cổ phiếu hiếm hoi có giao dịch đáng chú ý trong nhóm này, với 3 phiên tăng trần liên tiếp từ 07-11/06, đưa giá cổ phiếu lên mốc 14,400 đồng/cp.
Cổ phiếu DSV tăng trần 3 phiên liên tiếp từ 07-11/06
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận